Nhớ lại lịch sử hơn 70 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Ninh Bình nói riêng đã đứng lên giành chính quyền thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 25/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Bình được thành lập, mở ra trang sử mới, vận hội mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Những năm đầu thành lập, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, chính quyền non trẻ của tỉnh Ninh Bình phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức trong những khó khăn, thách thức chung của cả dân tộc khi ấy, nhất là trước tình hình nạn đói, nạn dốt và giặc ngoại xâm. Cuối năm 1947, sau thất bại của thực dân Pháp ở Việt Bắc, chúng chuyển hướng chiến lược từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh lâu dài", mở rộng đánh chiếm ra các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh Ninh Bình là một trong những hướng tấn công quan trọng của kẻ địch.
Ở trong tỉnh, bọn phản động đội lốt tôn giáo ra sức chống phá công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, chúng gây bạo loạn ở nhiều nơi thuộc các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô. Tình thế cách mạng ở Ninh Bình lúc này hết sức khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tập trung giải quyết nạn đói, nạn dốt; ra sức giữ vững, củng cố chính quyền cách mạng; đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, chuẩn bị tiềm lực về mọi mặt để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Nguyên TBT Đỗ Mười thăm Nhà máy cơ khí Quang Trung. Ảnh: Thế Minh
Trong bối cảnh đó, năm 1948 đồng chí Đỗ Mười khi đó đang là Khu ủy viên Khu 3 được Trung ương chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Với tinh thần của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trưởng thành từ phong trào cách mạng, sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân, có năng lực trong công tác vận động quần chúng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Mười đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt kháng chiến và kiến quốc.
Trước âm mưu thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm ra vùng tự do, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, chủ động sẵn sàng đánh địch; tuyên truyền cho nhân dân tăng cường cảnh giác, cất giấu tài sản và tiêu thổ kháng chiến không để kẻ địch lợi dụng. Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc hợp nhất Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến các cấp thành Ủy ban hành chính kháng chiến. Tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống mới; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; tham gia các lớp bình dân học vụ.
Đến cuối năm 1948 toàn tỉnh đã thanh toán nạn mù chữ cho 80% số người trong độ tuổi đi học. Đặc biệt là thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua ái quốc ở Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở tất cả các địa phương, các ngành. Với khẩu hiệu "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua" được tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng đã biến thành hành động trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, đời sống xã hội.
Nguyên TBT Đỗ Mười thăm công trình núi chùa Bái Đính. Ảnh: Thế Minh
Với kết quả đạt được, ngày 20/11/1948, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen về thành tích đắp đê, bảo vệ sản xuất. Kết quả đó đã minh chứng cho phong trào cách mạng sôi nổi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Mười.
Do yêu cầu nhiệm vụ, cuối năm 1948 đồng chí Đỗ Mười được điều chuyển công tác mới. Mặc dù thời gian đảm nhiệm cương vị đứng đầu cấp ủy tỉnh Ninh Bình không dài, nhưng những công lao, đóng góp, cống hiến của đồng chí với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh tình hình hết sức cam go, những thành quả trong công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, phát triển lực lượng vũ trang... của Ninh Bình đạt được dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đồng chí đã tạo ra thế và lực để Ninh Bình vượt qua giai đoạn khó khăn, đứng vững và đánh trả thắng lợi các cuộc hành quân đánh phá, càn quét của thực dân Pháp vào vùng đất Ninh Bình.
Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, cho đến khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Đỗ Mười luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, nơi đồng chí đã từng công tác, đằm mình với phong trào cách mạng. Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1993, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mươi đã về thăm và làm việc tại Ninh Bình.
Nguyên TBT Đỗ Mười trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư. Ảnh: Thế Minh
Trong bối cảnh tỉnh Ninh Bình vừa mới được tái lập (01/04/1992), điểm xuất phát thấp, kinh tế - xã hội khó khăn, chuyến thăm, tình cảm và những ý kiến chỉ đạo, định hướng của đồng chí, nhất là về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn thể... là kim chỉ nam và là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình vững bước xây dựng quê hương, đất nước.
Với tình cảm của Tổng Bí thư với các tầng lớp nhân dân, và sâu nặng hơn đó là tình cảm của người chiến sĩ cách mạng nhớ về những người dân, những nơi đã từng nuôi dưỡng, che chở, cưu mang mình trong những năm tháng gian khó, khắc nghiệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã về thăm bà con nhân dân thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Những cử chỉ ân cần, thân thiện, xúc động và sâu lắng của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khắc sâu vào tâm trí nhân dân những nơi đồng chí về thăm và nhân dân Ninh Bình, hình ảnh một người lãnh đạo hết sức giản dị, thanh bạch, khiêm tốn và khoan dung.
Sự ra đi của đồng chí đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Ninh Bình nói riêng. Càng vinh dự, tự hào là nơi đồng chí đã từng gắn bó, công tác bao nhiêu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Ninh Bình càng tiếc thương, cảm phục đồng chí bấy nhiêu. Biến đau thương, tình cảm thành hành động cách mạng, trước anh linh của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình nguyện kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng vẻ vang của quê hương, đoàn kết, thống nhất, vượt mọi khó khăn, thách thức, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, ra sức phấn đấu, thực hiện thắng lợi con đường của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, đáp ứng với niềm tin và sự kỳ vọng của đồng chí cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trong những tháng ngày lãnh đạo phong trào cách mạng của địa phương cũng như những lời căn dặn, chỉ bảo của đồng chí khi về thăm Ninh Bình.
Nguyễn Thị Thanh
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình