Cả tòa soạn có 10 người: Bác Nguyễn Xuân Lương làm Tổng Biên tập, bác Nguyễn Xuân Tế làm ủy viên Ban biên tập Thư ký tòa soạn. Về cơ quan tôi được giao nhiệm vụ chuyên viết về mảng đề tài nông nghiệp.
Giờ nghĩ lại thời gian làm báo: "Những ngày vui sao cả nước lên đường/xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục" cả nước cùng ra trận đánh giặc; rồi: "Dân có ruộng dập dìu hợp tác/lúa mượt đồng ấm áp làng quê" của thời kỳ bao cấp. Và những năm đầu đổi mới… Cả 3 giai đoạn cách mạng của dân tộc đều toát lên tình người vô cùng sâu đậm, tác phong làm việc khẩn trương, nghiêm túc của người làm báo.
Thời gian đó mọi người đều nỗ lực hết mình vượt qua gian khó, cống hiến cho quê hương, đất nước. Bây giờ kể lại việc làm thời ấy chắc lớp trẻ cho rằng quá cổ lỗ, nhưng cứ mạo muội kể lại để thấy sự phát triển diệu kỳ của đất nước và ý chí, nghị lực của con người, sự bền bỉ, dẻo dai của một thế hệ đã đi theo con đường cách mạng của Đảng, của Bác Hồ.
Những năm đầu làm ở Báo Ninh Bình thật sự tôi thấy mệt mỏi cả thể chất lẫn trí não. Ngày ngày đạp xe rong ruổi trên đường. Chuyện sáng xuống Yên Mô, chiều ngược Nho Quan là rất bình thường. Tối về chong ngọn đèn dầu hỏa viết tin, bài trong tiếng chim lợn rúc. Mà hình như núi Phú Gia là tổ của chim lợn, khi hoàng hôn buông xuống là bầy chim ùa ra khỏi hang, đánh nhau kêu loạn xạ chuẩn bị tỏa đi các cánh đồng tìm bắt chuột.
Làm việc trong điều kiện ấy nhưng vì ít người nên anh em phóng viên ai cũng viết và được đăng trên 20 tin, bài mỗi tháng; không có nhuận bút, chỉ có lương, như tôi được nhận 51 đồng/tháng và được cấp tem phiếu mua 0,5 kg thịt, 12,5 kg gạo/tháng.
Tôi ở xa cơ quan nên được ưu tiên, sau một năm đi làm cơ quan bình xét cho mua 1 chiếc xe đạp thống nhất 240 đồng, xe phân phối đàng hoàng cũng mất gần 5 tháng lương mới mua được. Rồi 1 năm sau xăm thủng phải vá măng xông 4-5 miếng, lốp phình phải lấy giẻ bó lại, lấy dây mây khâu lại.
Đi cơ sở, điều quan trọng nhất là đem theo tem gạo và tiền, nếu ở huyện thì chỉ phải báo cơm, khi đi thanh toán mỗi bữa ăn 0,25kg gạo và 4 hào. Nếu đi xa phải căn giờ cửa hàng ăn uống bán cơm thì đến đưa tem gạo và 4 hào mua 1 suất ăn. Mà mỗi huyện chỉ có 1 cửa hàng ăn ở khu trung tâm, có đi xã cách 10 cây số cũng phải đạp xe về kịp bữa, chậm là hết cơm, nhịn đói và không hàng quán nào bán thức ăn chế biến từ lương thực cả, gạo còn dành cho bộ đội ở chiến trường.
Vất vả là thế nhưng ai cũng thấy vui, hoàn thành nhiệm vụ. Làm chuyên môn đã thấy mệt rồi, hằng năm còn phải thực hiện nghĩa vụ đắp đê, bác Tế lại tổ chức cho nhóm phóng viên đi làm trước rồi về phân công nhau trực cơ quan và đi viết.
Sau đó một mình bác là một nhóm cứ sáng dậy mang chiếc kéo cắt đất tới công trường vừa đào đất vừa vác lên đắp vào đê, chiều về thu tin, bài và phân công công việc ngày mai cho phóng viên đi cơ sở, tối đến chong đèn sửa tin, bài, lên ma két để hôm sau cho phóng viên đưa đến xưởng in cách tòa soạn chừng 3 cây số.
Với cách làm ấy bác Tế và anh em chúng tôi năm nào cũng hoàn thành công việc đắp đê. Mọi người đều làm việc hưởng lương không ai có đặc quyền đặc lợi nên ai cũng thoải mái gắn bó với cơ quan, đoàn kết như một gia đình.
Ngày 30/4/1975, quân ta giải phóng Sài Gòn, đất nước đã sạch bóng quân thì, non sông thu về một mối. Cả nước lại chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Báo Ninh Bình chuyền về thị xã Ninh Bình ở khu nhà tạm.
Năm 1976 ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh, anh em ở Báo Ninh Bình khăn gói đạp xe ra Nam Định góp sức làm ở tờ báo Hà Nam Ninh bề thế. Tờ báo mới đông người, cách làm việc cũng khác nên anh em chúng tôi tăng thêm hứng khởi.
Thời kỳ này phóng viên viết tin, bài theo định mức dưới sự điều hành của phòng biên tập. Báo Hà Nam Ninh thực hiện tuyên truyền tập trung theo vấn đề nổi trội và theo vệt đợt. Bấy giờ ở Nam Định có điển hình Hải Quang, Hải Hậu; Ninh Bình có điển hình Khánh Phú, Yên Khánh; Hà Nam có điển hình Trác Bút, Duy Tiên.
Các phòng cử từng nhóm phóng viên về thâm nhập thực tế, nghiên cứu, thu thập tài liệu viết bài tuyên truyền dài hơi cho các điển hình ấy. Không chỉ nêu cách làm hay mà còn rút ra được những bài học sâu sắc ở các điển hình để các địa phương trong tỉnh học tập, làm theo. Mỗi điển hình được tuyên truyền liên tục trên mặt báo trên dưới 10 kỳ.
Tuy nhiên, các vấn đề thời sự, những việc đột xuất xảy ra trong tỉnh vẫn được bám sát tuyên truyền trọn vẹn. Phóng viên được phân công theo dõi địa bàn buộc phải nắm chắc, hiểu sâu cơ sở để phát hiện nhân tố mới từ đó đề xuất đề tài, thời gian, liều lượng tuyên truyền…
Tuy đỡ gò bó về thời gian nhưng lại phải đi nhiều, đi xa và thức đêm viết tin, bài. Nhiều khi đi cơ sở phải nhịn đói vì những năm đầu hòa bình cả nước thực hiện cơ chế bao cấp nên còn thiếu thốn trăm bề, vẫn tem phiếu cho công nhân viên chức, nông dân làm theo hợp tác nên năng suất không cao, gạo thiếu, thịt thiếu, thậm chí cả ngô khoai rau củ quả… cũng thiếu. Nhưng không thấy phóng viên bỏ việc.
Mà có đi Cúc Phương hay Cồn Thoi, cồn Ngạn Quất Lâm, Hải Thịnh thì cũng hăng hái đạp xe về nộp tin, bài đúng hạn. Cứ thứ tư là họp phòng phổ biến định hướng tuyên truyền của Ban Biên tập và phân công phóng viên đi thực hiện các đề tài. Mỗi tháng họp cơ quan 1 lần nghe Tổng Biên tập truyền đạt những vấn đề Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp.
Tập thể cán bộ nhân viên trong cơ quan đoàn kết hết lòng vì công việc, Tết đến xuân về chỉ chúc nhau mạnh khỏe, không có quà cáp động viên, chỉ có tiền lương, không có tiền thưởng và cả năm làm ăn, không có ngày kỷ niệm của giới báo chí.
Mãi đến năm 1985 Ban Bí thư Trung ương Đảng mới ra Chỉ thị lấy ngày 21/6 hàng năm- Ngày tờ báo Thanh niên do Bác Hồ sáng lập ra số báo đầu tiên làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Từ ngày 21 tháng 6 năm 1985 ấy những người làm báo trên đất nước thân yêu này có ngày truyền thống.
Tôi nhớ ngày truyền thống đầu tiên anh chị em báo Hà Nam Ninh được nhận quà, mỗi người nhận một miếng vải màu xanh trứng sáo đủ may một chiếc áo sơ mi. Bây giờ thì ngày 21/6 là ngày vui như hội của giới báo chí cả nước. Các cơ quan, đơn vị và doanh nhân đến tặng hoa, tặng quà và lời chúc mừng nồng nhiệt, thân tình.
Là người có thâm niên trên 30 năm làm báo, nhân kỷ niệm 60 năm Báo Ninh Bình ra số báo đầu, tôi xin bộc bạch một vài suy từ về nghề báo.
Trước hết nghề làm báo là một nghề nghiệt ngã; có cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Muốn tiếp tục được với nghề này bản thân phải tự trau dồi để có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định lý tưởng đi theo con đường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vì làm báo là làm chính trị. Báo chí với chức năng tuyên truyền tập thể, hướng dẫn và tổ chức tập thể; nếu người làm báo không có lập trưởng tư tưởng vững vàng thì dễ sa ngã, viết không chuẩn mực, mà sáng tạo ra bài biết lệch lạc, thậm chí mang tư tưởng thù địch thì vô cùng nguy hiểm. Một vấn đề không kém phần quan trọng là người làm báo phải tu dưỡng đạo đức, tác phong lối sống trong sáng, lành mạnh.
Nghề này dễ bị cám dỗ mua chuộc lắm, chỉ lơ là một chút là chủ nghĩa cá nhân nổi lên, tự cho mình là siêu đẳng, ganh tỵ, đố kỵ bạn bè, đồng nghiệp; ham tiền tài, địa vị, ham chơi bời; kẻ xấu sẽ mồi chài lôi kéo bằng chiêu bẫy tiền bạc, gái gú… để bóp méo sự thật viết bài có lợi cho chúng.
Luôn tìm hiểu kỹ, nắm bắt sâu nơi mà mình viết bài là một nguyên tắc bất di bất dịch; chỉ có thế mới phản ánh đúng sự thật dù biểu dương hay phê phán. Bởi vậy lao tâm khổ tứ vì nghề, dũng cảm vượt qua cám dỗ là phẩm chất cao quý của người làm báo. Chúng ta đã và sẽ mãi mãi là những người làm báo chân chính.
Quang Đức