Năm 2007, sau khi thu hoạch lúa đông xuân, đầu tư 2-3kg phân đạm, 2kg kali và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, sau 45 ngày gia đình ông Nguyễn Văn Lương và bà con nông dân xã Sơn Thành có thêm một vụ lúa với thu nhập tương đương làm vụ đông trên đất 2 lúa.
Với ông và bà con nông dân vùng chiêm trũng này, đây là hướng đi mới, giúp nông dân tăng vụ, tăng thu nhập ngay trên vùng đất còn nhiều khó khăn, nhưng có những đặc trưng riêng của những xã vùng chịu xả lũ.
Ông Lương cho biết, năm trước ông và bà con nơi đây đã thử làm, cho thu nhập khá, năm nay, được cán bộ hướng dẫn, HTX khuyến khích chúng tôi mở rộng diện tích làm lúa tái sinh, vụ lúa đông xuân đã cho năng suất cao, có thêm vụ lúa tái sinh nữa nên chúng tôi rất phấn khởi.
Lúa tái sinh hay theo cách gọi của bà con nông dân là lúa chét, được sản xuất ngay sau thu hoạch vụ lúa chính. Cây lúa vụ chính thu hoạch bông để lại 2/3 cây lúa, đầu tư thêm phân bón, phòng trừ sâu bệnh, cây lúa có chất dinh dưỡng tiếp tục phát triển trỗ bông và cho thu hoạch chỉ sau 45 ngày. Như vậy, không mất công làm ruộng, công cấy, chỉ trong thời gian ngắn nông dân có thêm 70 -100 kg thóc/ sào.
Lúa tái sinh được bà con ở huyện Nho Quan đưa vào từ lâu, song thực hiện theo đúng quy trình kĩ thuật để có năng suất cao thì vài vụ gần đây, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh đã khuyến khích bà con ngày càng mở rộng diện tích.
Năm 2007, toàn huyện có 10 xã sản xuất lúa tái sinh với diện tích gần 900ha, năng suất đạt 19,4 tạ/ha. Như vậy, ngoài vụ lúa đông xuân và vụ mùa, năm 2007 huyện Nho Quan có thêm gần 1.700 tấn thóc từ vụ lúa tái sinh.
Năm 2008, huyện Nho Quan có 15 xã thực hiện sản xuất lúa tái sinh, với tổng diện tích trên 1300ha, chủ yếu là trên diện tích đất 1 vụ lúa. Tuy thời tiết đầu vụ đông xuân không thuận lợi, song do có KH từ sớm, nên các xã trong huyện đã chủ động tiến hành các giải pháp thực hiện như bố trí cơ cấu giống lúa, trà lúa, khoanh vùng qui hoạch cho sản xuất lúa tái sinh.
Nông dân Nho Quan thu hoạch lúa tái sinh. Ảnh: P.V
Theo đồng chí Trần Văn Dưỡng - Phó phòng nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan, để có vụ lúa tái sinh cho năng suất cao, cần chú ý các khâu kĩ thuật đó là bón đạm trước khi thu hoạch vụ lúa chính, giữ nước, bảo vệ đồng điền và quan trọng nhất là phun thuốc phòng chống sâu đục thân cho lúa tái sinh.
Giống lúa lai là giống lúa cho năng suất cao khi làm lúa tái sinh, do đó các vùng bố trí sản xuất lúa tái sinh đều gieo cấy lúa lai ở vụ đông xuân. Ngoài khâu giống quyết định năng suất lúa tái sinh, yếu tố không thế xem nhẹ là phòng trừ sâu đục thân.
Kinh nghiệm trong sản xuất là ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, bà con tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu đục thân để diệt trừ mầm bệnh có trong gốc lúa, khi lúa tái sinh trỗ bông vào chắc tiếp tục phun phòng.
Qui trình sản xuất lúa tái sinh được bà con thực hiện đúng đã cho hiệu quả kinh tế cao. Năng suất ước đạt trên 16 tạ/ha. Có nơi thâm canh cao, năng suất đạt 18-20 tạ/ha. Các xã có diện tích lúa tái sinh lớn là: Sơn Thành, Đức Long, Gia Lâm, Gia Thủy...
Phấn khởi trước kết quả của vụ lúa đông xuân, giờ đây thu hoạch thêm vụ lúa tái sinh, bà con nông dân huyện Nho Quan đang đẩy nhanh tiến độ cấy lúa mùa, tập trung chăm sóc những diện tích lúa đã cấy, áp dụng các biện pháp thâm canh vào sản xuất để có vụ mùa thắng lợi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.
Huy Hoàng