Hiện Khoa truyền nhiễm-Bệnh viện Nho Quan vẫn tiếp nhận một số bệnh nhân bị mắc sốt xuất huyết, chân tay miệng đến điều trị. Bác sỹ Phạm Tuấn Sơn, Trưởng khoa truyền nhiễm cho biết: Thời gian này khoa tiếp nhận, điều trị đa phần bệnh nhân truyền nhiễm, như chân tay miệng, sốt xuất huyết, rubella, thương hàn, cúm, sởi, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy cấp và các bệnh cúm ở gia cầm như cúm A/H5N1và cúm A/H7N9. Nhất là vào thời điểm giao mùa, bệnh truyền nhiễm phát tác mạnh, lây lan rộng, như mùa hè-thu vừa qua, khoa điều trị đa phần bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hiện nay vẫn còn lác đác bệnh nhân sốt xuất huyết đến điều trị. Ngoài ra, khoa đang điều trị nhiều trẻ em bị bệnh tay chân miệng, cảm cúm.
Tại y tế cơ sở, công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân cũng đang được triển khai tích cực. Đối với xã Văn Phong mặc dù nhiều năm nay không có bệnh dịch phát sinh nhưng công tác phòng, chống dịch được xã đặt lên hàng đầu. Bà Trần Thị Hiền, Trạm trưởng Trạm y tế xã Văn Phong cho biết: Xã có 5 nghìn người, địa bàn dân cư rộng, người dân sống bằng nghề nông nghiệp, còn thói quen không tốt cho sức khỏe như chuồng trại, khu vệ sinh gần với sinh hoạt của con người, khi thời tiết bất lợi như mưa bão, lũ lụt, ảnh hưởng tới công tác vệ sinh môi trường, môi trường sống. Trước đặc điểm địa bàn dân cư, để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Trạm y tế xã đã chủ động triển khai kế hoạch, lập dự trù đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu người dân. Cùng với đó tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, Trạm luôn đề cao và thực hiện đầy đủ công tác tiêm chủng mở rộng, bởi đây là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ người tiêm không mắc bệnh, phòng được các bệnh khi tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn các dịch bệnh lớn trên địa bàn. Phối kết hợp với các tổ chức, đoàn thể xã thực hiện việc giám sát mua bán, vận chuyển gia cầm giữa các thôn bản và vùng lân cận, kịp thời ngăn chặn gia cầm nhiễm bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nho Quan cho biết: Năm 2017, tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Nho Quan đã có bước chuyển biến tích cực, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, có biện pháp chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và phương tiện phòng, chống dịch để ứng phó khi có dịch xảy ra. Duy trì tốt công tác báo cáo phần mềm bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54 của Bộ Y tế. Tính đến hết tháng 11/2017, toàn huyện có 2 ca mắc bệnh liên cầu lợn, có 1 ca tử vong; bệnh ho gà 3 ca; bệnh dại 1 ca tử vong, bệnh quai bị 74 ca; bệnh thủy đậu 41 ca; viêm não mô cầu 1 ca; sốt xuất huyết 187 ca (chỉ có 1 ca nội sinh). Trung tâm cũng khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt cho 9 xã bị ảnh hưởng với 10 nghìn hộ dân, cấp phát thuốc chống ăn chân cho mỗi hộ 10 gói và thuốc nhỏ mắt phòng bệnh đau mắt đỏ, nước ăn chân do mưa lũ gây ra; tổ chức giám sát dịch bệnh vùng lũ sau khi nước rút.
Những tháng cuối năm, khí hậu diễn biến bất thường nên rất dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm, phổ biến nhất là các bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa như chân tay miệng, sốt xuất huyết, rubella, thương hàn, cúm, sởi, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy cấp và các bệnh cúm ở gia cầm như cúm A/H5N1và A/H7N9. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa đông xuân, Trung tâm y tế huyện Nho Quan đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng, chống dịch. Trong đó tăng cường những hoạt động nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động giám sát các ổ dịch cũ, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch bệnh ở các xã, thị trấn. Thành lập các đội chống dịch lưu động, trong đó Trung tâm y tế huyện có 1 đội chống dịch lưu động có đủ phương tiện, thuốc, hóa chất, ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra.
Chủ động kiểm kê các phương tiện chống dịch, hóa chất, hóa chất xét nghiệm, cơ số thuốc để có kế hoạch tu sửa bổ sung kịp thời, tuyến huyện có từ 10-20 cơ số thuốc. Duy trì các điểm báo dịch tại xã, thị trấn; chủ động điều tra phát hiện bệnh tại bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực và cộng đồng nhằm phát hiện ca bệnh đầu tiên có biện pháp khống chế kịp thời. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về các biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm. Tập trung tuyên truyền về tiêm phòng các bệnh như vắcxin cúm, sởi-rubella, quai bị, viêm màng não mô cầu, viêm gan B tiêm mũi 3, 4 cho người từ 15 tuổi trở lên. Tập huấn, hướng dẫn thường quy, phác đồ phòng, chống dịch cho cán bộ làm công tác giám sát, điều trị. Đồng thời, khi có dịch xảy ra thông báo khẩn cấp lên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội bao vây dập dịch nhanh chóng. Tổ chức tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Hồng Vân