Hiện nay, huyện Nho Quan có tổng đàn trâu, bò là trên 21 nghìn con, đàn lợn 136 nghìn con, đàn gia cầm gần 551 nghìn con. Theo kế hoạch tiêm phòng vụ thu đông năm 2013, toàn huyện sẽ tiêm phòng bắt buộc cho đàn gia súc bằng các loại vắc xin trong danh mục các bệnh phải tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ trên 80% diện phải tiêm.
Thời gian qua, Trạm Thú y huyện đã tiếp nhận, cấp phát đầy đủ vật tư, các loại vắc xin theo nhu cầu của các xã, thị trấn, đảm bảo chất lượng và đúng chủng loại. Để công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, UBND huyện cũng đã yêu cầu các xã, trị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và các Tổ tiêm phòng. Đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tổ chức thực hiện tiêm phòng đúng thời gian, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn. Giao cho nhân viên thú y cơ sở xã, thị trấn kết hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố lập sổ theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm sau tiêm phòng, qua đó, giúp cho người chăn nuôi nhận thức và ý thức được việc tiêm phòng là bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh và phát triển vững chắc.
Tuy nhiên, kết quả đến thời điểm này, mặc dù đã hết thời hạn tiêm phòng nhưng tỷ lệ tiêm phòng vẫn khá thấp. Toàn huyện chỉ tiêm được 2.500 liều vắc xin LMLM (đạt 40%); 470 liều vắc xin tụ huyết trùng cho trâu, bò (đạt 20%); 3.190 liều vắc xin dịch tả; 155 liều vắc xin tụ dấu, phó thương hàn và tụ huyết trùng cho lợn (đạt 20%); tiêm vắc xin cúm gia cầm cho 42.871 con vịt, trong đó dưới 35 ngày tuổi là 23.834 con (đạt 22%).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do yếu tố thời tiết diễn biến phức tạp, thời gian triển khai tiêm phòng thường trùng với thời điểm thu hoạch lúa mùa và chuẩn bị triển khai sản xuất vụ đông. Nhưng nguyên nhân quyết định hơn cả vẫn là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các hộ chăn nuôi còn hạn chế dẫn đến chủ quan xem nhẹ đối với công tác phòng ngừa dịch bệnh từ xa.
Ông Trương Đức Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nho Quan cho biết thêm: Còn một số nguyên nhân nữa dẫn tới tỷ lệ tiêm phòng thấp là do một số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại hoặc quy mô từ vài trăm con gia cầm, vài chục con lợn trở lên đã chủ động tiêm phòng mà không chờ tiêm theo kế hoạch tiêm thường xuyên của huyện. Ngược lại, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước, trong khi công tác tiêm phòng hiện nay chỉ được hỗ trợ một phần. Bên cạnh đó, do phụ cấp của cán bộ thú y cơ sở quá thấp, nhiều thú y viên đã bỏ nghề, không mặn mà với nghề dẫn đến không hoàn thành kế hoạch được giao.
Cùng với chị Quách Thị Liên, thú y viên xã Yên Quang đi đến từng hộ gia đình để triển khai công tác tiêm phòng mới thấy hết được những khó khăn vất vả của công việc này. Trước khi đến tiêm phòng tại thôn nào chị Liên đều phải liên hệ với trưởng thôn để nhờ họ dẫn đi đến từng hộ. Thời gian đi tiêm phải là lúc sáng sớm, trưa muộn hoặc chiều tối vì lúc đó chủ hộ mới có nhà. Chị Liên tâm sự: cả ngày làm việc tích cực lắm thì mới triển khai tiêm phòng hết được cho một thôn với khoảng 100-150 con lợn. Mỗi con lợn được trả công 2 nghìn đồng. Như vậy, với một tổ tiêm gồm 4 người thì trung bình mỗi ngày mỗi người chỉ được hưởng thù lao chưa đầy 50 nghìn đồng. Đã vậy nhiều hộ dân còn viện đủ lý do để từ chối việc tiêm phòng như trâu, bò nhà mình đang có chửa, hay đang mùa vụ, nếu tiêm phòng thì lấy trâu, bò đâu đi cày…
Đã nhiều năm nay, hầu như năm nào trên địa bàn huyện Nho Quan cũng có sự hiện diện của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi nói chung và thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi nói riêng. Do vậy thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tiêm phòng tập trung, tiếp tục triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, cần tập trung nâng cao nhận thức của người dân, bởi hơn ai hết những người chăn nuôi phải biết tự giải quyết những vấn đề dịch bệnh trong quá trình sản xuất của gia đình, tránh những thiệt hại về kinh tế. Chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, coi tiêm phòng là khâu chính, có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp cần tiến hành rà soát để tiếp tục tiêm cho các đối tượng còn lại, đảm bảo năng lực chống chọi với dịch bệnh trong mùa đông tới cho đàn gia súc, gia cầm.
Bài, ảnh: Hà Phương