Với tổng diện tích đất canh tác trên 23.000 ha, trong đó diện tích cấy lúa trên 12.000 ha, để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, một trong những giải pháp mà huyện Nho Quan đã thực hiện trong những năm qua đó là phát triển nông nghiêp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Nho Quan là huyện miền núi, địa hình phức tạp, miền núi xen kẽ đồng bằng nên canh tác, tưới tiêu không thuận lợi; cùng với đó là thời tiết thường xuyên bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của huyện.
Do đó khi xây dựng Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp huyện đã dựa trên thực tế từng vùng, miền để quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chứ không xác định một loại hàng hóa chủ đạo cho toàn huyện như các địa phương khác. Đối với vùng cao, miền núi tập trung vào trồng rừng, cây ăn quả gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm; các xã vùng chiêm trũng sẽ tập trung sản xuất lúa-cá, lúa chất lượng cao và rau màu…
Với định hướng trên, các HTX nông nghiệp tổ chức gieo trồng trên 1.500 ha lúa chất lượng cao, góp phần tăng giá trị mỗi ha lúa từ 8-10 triệu đồng. Về sản xuất vụ đông được chú trọng sản xuất cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: ớt xuất khẩu, bí xanh, ngô…
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì và phát triển, trong năm qua, trên địa bàn huyện không để dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm, long móng trâu, bò. Tổng đàn trâu, bò gần 22.000 con, tăng 1.197 con, đàn lợn trên 76.000 con, gia cầm gần 800.000 con, tăng gần 12.000 con.
ông Bùi Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lạc cho biết: Diện tích đất nông nghiệp của xã hiện có hơn 500 ha nhưng do đặc điểm địa hình của xã nên hàng năm bà con nông dân chỉ cấy một vụ lúa đông xuân ăn chắc. Trước khó khăn đó, huyện Nho Quan đã có chủ trương khuyến khích bà con nông dân xã Thanh Lạc chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, toàn xã đã có hơn 200 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng trên 100 tấn/năm. Với mô hình này bà con nông dân đã từng bước ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Nhiều hộ gia đình từ chỗ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ đã đầu tư nâng cấp thành trang trại, gia trại tổng hợp.
Có thể thấy, với hướng đi phù hợp các địa phương sẽ khắc phục được tình trạng khó khăn do địa hình và thời tiết. Làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Do địa hình dốc, có nhiều chất đất như: đất cát pha, đất sỏi, đất trắng...
Nhiều năm trước việc sản xuất nông nghiệp ở Thạch Bình là bài toán khó cho các ngành, các cấp và địa phương. Trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, đến nay Thạch Bình đã tìm ra được cây, con phù hợp với điều kiện thực tế ở xã miền núi như: ngô ngọt, bí đỏ, ớt xuất khẩu ở vụ đông xuân.
Bên cạnh đó, xã cũng quy hoạch vùng trồng hoa, đồng thời cải tạo vườn tạp trồng các cây ăn quả như: Bưởi diễn, cam, chanh đào, ổi thái... So với các cây truyền thống thì các cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 4 - 5 lần.
Điển hình như thôn Tân Thành, Liên Phương, Đồi Ngọc... bình quân mỗi hộ trồng ớt xuất khẩu thu được từ 8 - 12 triệu đồng/sào, tổng giá trị trong toàn xã lên tới hàng tỷ đồng. Vụ đông năm 2015, nhân dân còn tiến hành trồng ngô thương phẩm bán cây cho Công ty bò sữa Yên Phú.
Tranh thủ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện, xã cũng mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức KHKT về chăn nuôi, cách phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi, cách chọn con nuôi cho hiệu quả kinh tế…
Đến nay, toàn xã có 45 trang trại nuôi gà, vịt, lợn, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo cho xã miền núi còn nhiều khó khăn như Thạch Bình.
Có thể thấy, các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa sang sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế cao đã và đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2015 xuống còn 5%. Kết quả trên đã góp phần đưa tổng sản lượng lương thực cả năm trên địa bàn huyện đạt 77,4 nghìn tấn, giá trị bình quân trên ha canh tác đạt 70 triệu đồng.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan khẳng định: Tiềm năng phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp ở huyện Nho Quan là rất lớn. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển ổn định, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Huyện ủy, UBND huyện tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với giải quyết lao động nông thôn.
Trong đó, đẩy mạnh thực hiện sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất và tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tiếp tục phát triển các vùng trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm không ngừng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Tích cực áp dụng các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất để giảm chi phí vật tư, công lao động, tăng năng suất lao động để cạnh tranh trên thị trường.
Chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục lựa chọn và đưa các giống cây con mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện sẽ có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hộ nông dân trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Bài, ảnh: Bảo Yến