Cúc Phương là xã vùng cao của huyện Nho Quan với trên 80% dân số là người dân tộc Mường. Theo đồng chí Đinh Thị Văn, Phó Chủ tịch UBND xã, để tạo điều kiện cho người dân không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xã Cúc Phương đã có nhiều chính sách trợ giúp người dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể như, hàng năm phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT nhằm nâng cao trình độ sản xuất và chăn nuôi cho người dân thông qua các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, đoàn thanh niên...
Cùng với đó, các tổ chức, đoàn thể đứng ra tín chấp vốn vay của các Ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân vay với lãi suất thấp, đầu tư sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng rừng...
Hiện các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, đoàn thanh niên... đang có số dư nợ hàng chục tỷ đồng, cho hàng trăm hộ gia đình vay, trong đó chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và học sinh, sinh viên... nâng cao đời sống, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bản thân và nhiều lao động địa phương.
Năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, xã Cúc Phương có gần 40 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 87 hộ (toàn xã có hơn 800 hộ), chiếm 10,07%.
Gia đình chị Quách Thị Hạnh, hội viên phụ nữ thôn Sấm 3, dân tộc Mường là một ví dụ tiêu biểu cho tinh thần vượt khó, thoát nghèo bền vững. Anh chị vốn thuộc hộ nghèo, nguyên nhân do không có vốn đầu tư và trình độ sản xuất có mức độ, vợ chồng chỉ biết bám nương, bám đồi trồng vài sào ngô, khoai, sắn, hàng năm thiếu thốn lương thực vài tháng.
Trước thực tế đó, Hội Phụ nữ xã cùng với tích cực chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt đã tạo điều kiện cho chị Hạnh vay một số vốn nhất định để mua giống vật nuôi. Ban đầu chị Hạnh đầu tư nuôi trâu, bò với số lượng chỉ vài con, sau vài năm chăm chỉ chăn nuôi, đàn trâu bò đã sinh sản được hàng chục con, hiện đang có 15 con trâu và 13 con bò bê.
Cùng với đó, chị Hạnh thầu đất nhận khoanh nuôi và trồng hơn 1ha keo, trên 1ha mía, vài năm gần đây còn trồng thêm 4-5 sào cỏ để nuôi đàn trâu bò và nuôi thêm hàng trăm con gà đẻ, gà thịt, ngan, ngỗng. Đến nay, nhờ tập trung chăn nuôi, trồng mía, keo, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị Hạnh thu lãi trên 100 triệu đồng, xây dựng được nhà cửa khang trang, tiếp tục mở rộng các đàn vật nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình, trở thành hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thiệu, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Huyện Nho Quan có dân số trên 160 nghìn người, trong đó nam giới gần 80 nghìn người, nữ giới trên 82 nghìn người. Trong đó, khu vực nông thôn trên 151 nghìn người, khu vực thị trấn trên 10 nghìn người. Số lao động trong độ tuổi là hơn 98 nghìn người; trong đó có khả năng lao động trên 95 nghìn người, còn lại gần 3 nghìn người mất khả năng lao động.
Hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch dạy nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, riêng dạy nghề phi nông nghiệp đã có hàng trăm lao động được đào tạo các nghề may công nghiệp, xây dựng dân dụng, mộc dân dụng, giúp nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững.
Trong năm, có trên 2.800 người được hỗ trợ tạo điều kiện có công ăn việc làm; xuất khẩu 140 lao động sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Trung Đông… Huyện cũng thực hiện đầy đủ các chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ giáo dục, nghề nghiệp, hỗ trợ đột xuất khó khăn cho người nghèo, nhất là các hộ đồng bào dân tộc Mường thuộc các xã, vùng đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, huyện Nho Quan đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, trong đó chú trọng đến các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ cho vay, nhà ở, chính sách đối với người nghèo.
Trong năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, các tổ chức, đoàn thể đã giải quyết cho gần 300 hộ nghèo vay số tiền gần 9 tỷ đồng; gần 400 hộ cận nghèo vay vốn, số tiền trên 14 tỷ đồng; gần 200 hộ cận nghèo mới thoát nghèo, vay số tiền trên 6 tỷ đồng và gần 3 nghìn hộ thuộc các nhóm đối tượng chính sách khác vay vốn, số tiền gần 50 tỷ đồng, đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh những ngành nghề phù hợp.
Với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của các cấp chính quyền, những năm qua, huyện Nho Quan đã triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn trên 2,6 nghìn hộ, chiếm 5,6%, số hộ cận nghèo còn trên 2,7 nghìn hộ, chiếm 6,3% và hộ có mức sống trung bình trên 7,5 nghìn hộ, chiếm 17%.
Bình quân thu nhập đầu người đạt trên 28,5 triệu đồng/người/năm. Huyện Nho Quan thực hiện tốt việc cấp phát thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người kinh sống ở vùng cao, người đang sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn, với tổng số trên 53 nghìn thẻ BHYT.
Bài, ảnh: Hạnh Chi