Nhất là địa bàn huyện Nho Quan - nơi có nhiều diện tích lúa đang vào thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch và là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, việc đối phó với hoàn lưu bão - những trận mưa to sau trận bão rất dễ gây lũ lụt, sạt lở đất.
Sáng 16/9, cùng đoàn kiểm tra của lãnh đạo huyện Nho Quan kiểm tra một số địa phương có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản và diện tích lúa mùa sớm sắp cho thu hoạch nhận thấy, công tác chủ động đối phó với mưa lũ đã được các đơn vị liên quan chủ động với ý thức cao.
Tại trạm bơm Đồng Đinh, xã Lạng Phong, 3/6 máy bơm được mở để tiêu nước cho diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Lạng Phong, một số xã xung quanh như Thượng Hòa, Văn Phong, Lạc Vân… và thị trấn Nho Quan.
Trong trường hợp mưa to kéo dài hoặc mức nước đổ về cao hơn mức cho phép nhiều lần, trạm bơm Đồng Đinh sẽ vận hành cả 6/6 máy bơm tiêu úng, đảm bảo tất cả diện tích lúa không bị ngập và diện tích nuôi trồng thủy sản an toàn.
Theo đó, công nhân vận hành tại trạm bơm được phân công túc trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ mực nước trong đồng, trên sông để có phương án bơm tiêu úng kịp thời, không để xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ cũng như trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Tại trạm bơm xã Sơn Thành, từ sáng 15/9, trạm đã vận hành từ 1-3 máy trên tổng số 4 máy bơm, mỗi máy có công suất 2.000m3/h, chủ động tiêu úng cho trên 200 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của xã, trong đó có 110ha nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành, hiện diện tích sản xuất nông nghiệp và trên 100 ha nuôi trồng thủy sản theo mô hình lúa - cá chưa gặp khó khăn gì do mực nước vẫn trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, theo dự báo hoàn lưu bão có thể mưa kéo dài với lượng mưa lớn gây tràn đê, BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã tuyên truyền cho bà con, nhất là các hộ nuôi thủy sản chủ động các phương án ứng phó, như chuẩn bị cọc tre, lưới, đăng, đó che đậy các ống cống trên diện tích nuôi thủy sản, đảm bảo khi mực nước tăng không làm trôi, dịch chuyển số cá đang nuôi thả.
Đồng thời, xã cũng phối hợp chặt chẽ với Công ty Khai thác công trình thủy lợi huyện sẵn sàng hoạt động hết công suất 2 trạm bơm trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa đang vào thời kỳ chắc hạt sắp chín và diện tích nuôi trồng thủy sản ở giai đoạn phát triển mạnh nhất.
Bà Đinh Thị Hảo, Phó Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện Nho Quan cho biết: Theo phương án PCLB của huyện, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi cũng có phương án riêng của mình trong công tác PCLB bằng việc cắt cử nhân viên, công nhân tại 16 trạm bơm trên địa bàn huyện túc trực 24/24h từ ngày 14/9 để kiểm tra, theo dõi mực nước trong đồng, dưới sông, thường xuyên báo cáo và chủ động có phương án tiêu úng hợp lý.
Bắt đầu từ sáng 15/9, tại một số trạm bơm trên địa bàn huyện, Chi nhánh đã tổ chức cho bơm tiêu từ 1-3 máy tùy theo mực nước trong đồng, khi mực nước cao hơn đổ về ồ ạt sẽ huy động hết công suất các máy bơm, đảm bảo không để xảy ra úng lụt cục bộ và trên diện rộng.
Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Đối với cơn bão số 10, được nhận định là có cường độ mạnh, tuy không trực tiếp đổ bộ vào địa bàn tỉnh Ninh Bình nhưng hoàn lưu bão sẽ có mưa to, mưa dài ngày với lượng mưa lớn, do đó từ chiều ngày 14/9, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nho Quan đã chỉ đạo các thành viên huyện, các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị; đặc biệt chỉ đạo các ngành, cơ quan tạm dừng thực hiện những nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 10 theo phương châm "4 tại chỗ" không để bị động, bất ngờ.
Theo đó, các thành viên Ban chỉ huy và các phân ban đã xuống địa bàn phụ trách để chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ ứng phó với cơn bão.
UBND huyện đã hiệp đồng với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, sẵn sàng huy động cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Đội thanh niên xung kích hỗ trợ nhân dân khi tình huống xảy ra.
Các xã, thị trấn chuẩn bị lực lượng tại chỗ theo phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã, thị trấn cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện thuốc men, phương tiện tại chỗ để sẵn sàng cho công tác phòng chống lụt bão.
Kết quả trong những ngày diễn ra bão số 10 và đặc biệt những ngày hoàn lưu bão gây mưa, huyện Nho Quan đã thực hiện hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, không để xảy ra lũ lụt, ngập úng; thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đã chín; bảo vệ an toàn diện tích nuôi trồng thủy sản; không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Bài, ảnh: Hạnh Chi