Để khắc phục tình trạng đó, huyện Nho Quan đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thâm canh, xen canh tăng vụ, nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, góp phần nâng cao đời sống người nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Sinh sống tại vùng trũng "chưa mưa đã úng" nhiều năm, ông Đinh Phúc Lương, thôn Xuân Mai, xã Thanh Lạc hơn ai hết biết rõ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Chuẩn bị vào vụ mùa hàng năm, ông cũng như bà con trong thôn luôn trăn trở với bài toán cấy hay không cấy lúa, bởi việc có cho thu hoạch hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, mà chẳng lẽ lại bỏ đất hoang. Ông Lương cho biết: Được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, gia đình ông đã chuyển đổi 5 ha diện tích đất 313 của gia đình và mạnh dạn thầu thêm những diện tích sâu trũng cấy lúa kém hiệu quả của bà con xung quanh để nuôi cá với tổng diện tích 10 ha. Từ khi chuyển đổi, mỗi năm gia đình ông thu hoạch trên 4 tấn cá các loại, trung bình mỗi kg cá xuất bán có giá khoảng 40.000 đồng, trừ các loại chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 100-120 triệu đồng. Ông Lương mong muốn, ông cũng như nhiều bà con nhân dân xã Thanh Lạc đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nên rất mong được các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, hỗ trợ những giống con nuôi có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập…
Ông Bùi Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lạc cho biết: Xã Thanh Lạc hiện có trên 500 ha đất nông nghiệp, là xã thuộc vùng trũng của huyện nên người dân nơi đây chỉ cấy 1 vụ lúa xuân, còn vụ mùa thu nhập bấp bênh do ảnh hưởng của mưa lũ. Để tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, nhiều năm qua, xã Thanh Lạc đã có chủ trương và khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi những diện tích trũng sang nuôi trồng thủy sản ở vụ mùa nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hiện toàn xã có trên 200 ha được nông dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, hàng năm sản lượng cá của toàn xã đạt trên 100 tấn. Hiện xã tiếp tục vận động người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại, gia trại, nuôi cá kết hợp chăn nuôi các loại gia cầm, thủy cầm... Trong đó tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng, đồng thời tăng cường công tác khuyến ngư, đảm bảo cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đem lại hiệu quả cao nhất.
Qua một vài vụ trồng ngô, ông Đinh Văn Túc, xã Văn Phú đã không còn băn khoăn khi chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, bởi lợi nhuận thu được từ trồng ngô khá cao, phù hợp với hoàn cảnh gia đình ít người làm như gia đình ông. Ông Túc cho biết: Trước đây, gần 2 mẫu ruộng của gia đình chỉ cấy lúa, thu nhập hàng năm không ổn định, có năm hạn hán mất mùa, sản xuất nông nghiệp hầu như không có lãi. Từ năm 2011, thực hiện chương trình chuyển đổi giống cây trồng, gia đình đã mạnh dạn chuyển hầu hết diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, mỗi năm thu lãi vài chục triệu đồng. Trong khi thực tế trồng ngô không tốn nhiều công làm đất, việc chăm sóc cũng đỡ vất vả, cây ngô lại ít bị sâu bệnh, phù hợp với đồng đất Văn Phú nên nhiều nông dân trong xã đang tích cực chuyển đổi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và tránh được thiệt hại do thời tiết gây ra.
Được biết, để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Nho Quan đã khảo sát phân vùng trồng các loại cây thích hợp với đặc trưng của địa hình từng vùng. Theo đó, tại những xã vùng cao như Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương… chỉ đạo tập trung mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp như mía, sắn, dứa… Với những xã vùng bán sơn địa như Văn Phương, Văn Phú, Yên Quang…, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang thả cá, nuôi thủy cầm và xây dựng các vùng sản xuất chuyên lúa hoặc chuyên màu… Toàn huyện hiện có trên 2.400 ha diện tích thực hiện theo mô hình lúa-cá và chuyên cá; gần 800 ha trồng cây hoa màu, cây công nghiệp… Hầu hết những diện tích chuyển đổi đều đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh đất đai của huyện miền núi bán sơn địa. Các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa sang sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã và đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, tạo tiền đề cho huyện thực hiện tiêu chí dồn điền, đổi thửa, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Huy Hoàng