Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn, vụ đông xuân năm 2015- 2016 nhiều khả năng xảy ra nắng hạn ở mức gay gắt, kéo dài, trong khi mực nước trên các triền sông, hồ đập xuống thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tới gần 2.000 ha lúa và phần lớn diện tích cây màu của huyện Nho Quan. Trên địa bàn Nho Quan có 42 hồ lớn, nhỏ với trữ lượng 20 triệu m3, trong đó Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý 5 hồ, trữ lượng 1,4 triệu m3 phục vụ nguồn nước cấp cho trên 3.100 ha, gồm: Hồ Thác La ở xã Thạch Bình, hồ Yên Quang ở xã Yên Quang, hồ Thường Xung xã Văn Phú, hồ Đập Trời xã Quảng Lạc, hồ Đá Lải ở xã Quỳnh Lưu. Riêng hồ Đồng Chương phục vụ tưới trên 200 ha diện tích của xã Phú Lộc thuộc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường quản lý.
Cùng với khoảng 38 hồ nhỏ phục vụ cho trên 1.000 ha diện tích gieo trồng ở các xã khác. Trước tình hình này, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp ngay từ đầu vụ đông xuân.
Theo đó, các địa phương trong huyện đôn đốc, rà soát, tính toán chuyển đổi diện tích cấy lúa không đảm bảo nước trong vụ gieo trồng chuyển sang trồng cây khác, như: ớt ngọt, khoai lang, khoai sọ...
Các HTX, chi nhánh khai thác công trình thủy lợi đôn đốc việc tổ chức nạo vét kênh mương, tu sửa hệ thống máy móc, trạm bơm để có thể vận hành bơm tưới khi có yêu cầu.
Cùng với đó, địa phương, cấp ngành tăng cường quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp. Vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương là quản lý, khai thác và vận hành các hồ thế nào, đầu tư xây dựng, vận hành mạng lưới hệ thống thủy lợi ở các địa phương ra sao để bảo vệ và duy trì sản xuất nông nghiệp.
Cùng với việc tổ chức thực hiện các biện pháp, tìm giải pháp chống hạn chung trên toàn địa bàn, UBND huyện cũng xác định: tăng cường và tập trung giải pháp chống hạn các xã vùng cao và bán sơn địa, gồm xã Xích Thổ, Gia Sơn, Thạch Bình, Văn Phương, Văn Phong, Quỳnh Lưu, Sơn Hà, Sơn Lai và Quảng Lạc.
Đồng chí Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan cho biết: Đối với xã Văn Phong và Lạng Phong con sông Giấy có chiều dài 3,5 km, trữ nước và lấy nước từ sông Sui để các HTX vận hành bơm dầu, tưới nước cho diện tích vùng này.
Tuy nhiên, cần phải đầu tư kinh phí nạo vét lòng sông Giấy, tạo điều kiện thuận lợi khi dẫn nước. Còn xã Sơn Hà, trong những năm qua, diện tích sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước hồ Đập Trời. Nhưng hiện tại việc lấy nước đang gặp khó khăn do hồ Đập Trời có khoảng cách xa, để tiếp nhận được nước sản xuất, nguồn nước đi qua hệ thống kênh cấp 1 và cấp 2 đã xuống cấp.
Hơn nữa kênh mương đi qua địa bàn xã Quảng Lạc nên chỉ lấy được nước khi diện tích sản xuất của xã Quảng Lạc đã đủ. Những năm nắng hạn gay gắt như năm 2015, mực nước ở hồ xuống thấp dưới mực nước chết, cả 2 địa phương này đều chung hoàn cảnh không đủ nước làm nông nghiệp, nên hiệu quả sản xuất không đạt chỉ tiêu.
Giải pháp được đưa ra là nạo vét, mở rộng hồ Sòng Xanh (xã Sơn Hà), tạo độ sâu từ 1,5 đến 2 m để tích trữ nước. Khi có nguy cơ hạn, dùng máy bơm dã chiến hút nước từ Sòng Xanh tưới nước cho khoảng 100ha (cả 2 vụ) cho diện tích phía Tây của hồ, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn xã.
Giải pháp khác, UBND tỉnh đôn đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL làm chủ đầu tư xây dựng trạm bơm 2 cấp, lấy nước từ sông Bến Đang. Đối với khoảng 200 ha diện tích trồng lúa và trồng cây rau màu thuộc các thôn Lược, thôn Xát, thôn Me nằm ở phía Đông xã Sơn Lai thường xuyên hạn hán, nhiều vụ không cấy được nên nhân dân đã chuyển khoảng 90 ha sang trồng màu. Giải pháp tình thế này được cho là linh hoạt, song năng suất, sản lượng thấp, chi phí cao vì hệ thống tưới nước không đảm bảo, còn phụ thuộc vào thiên nhiên.
Huyện đang đề nghị nâng cấp 700 m kênh dẫn để tăng lưu lượng nước từ trạm bơm Đồi Khoai vào bể chứa trạm bơm Lược để trạm bơm Lược vận hành đúng công suất thiết kế tưới đủ nước cho khu vực này. Trong bối cảnh nếu hạn hán, thì 200 ha cấy lúa và trồng màu thuộc các thôn Tiền Phong, Thạch La, Vệ Đình (xã Thạch Bình) chỉ có thể tìm nguồn "giải khát" từ hồ Vườn Cà.
Song, nhiều năm nay, cứ ít mưa là hạn nên nhiều diện tích không canh tác được. Nguyên nhân được biết đến là do hồ Vườn Cà không đủ trữ lượng để cấp đủ diện tích, thường cạn kiệt vào cuối mùa khô. Giải pháp là đào sâu lòng hồ Vườn Cà (xuống từ 3-4 m) và mở rộng mặt bằng để tăng khả năng đủ chứa lượng nước đảm bảo cấp nước chống hạn cho vùng này.
Thời điểm này, nguồn nước đáp ứng yêu cầu sản xuất vụ đông xuân chưa đến mức báo động, nhưng các cấp, các ngành ở Nho Quan đã và đang xúc tiến đẩy nhanh những việc làm kể trên, tất cả vì mục tiêu đảm bảo sản xuất nông nghiệp duy trì, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Minh Đường