Được biết, trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, nhiều trâu, bò của các tỉnh miền núi phía Bắc đã bị chết rét. Trước thực tế trên, huyện Nho Quan đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho trâu bò trên địa bàn. Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cùng với Trạm Thu ý huyện và chính quyền các xã đã tăng cường giám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên gia súc; bám sát địa bàn và hướng dẫn cho bà con khử trùng tiêu độc chuồng trại, vệ sinh chuồng nuôi và cách che chắn, sưởi ấm cho trâu, bò. Trần Văn Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 9.000 con trâu, gần 19.000 con bò. Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, huyện Nho Quan đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc. Đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT tăng cường cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, đặc biệt là các xã vùng cao để vận động, tuyên truyền, huy động cán bộ các ngành chức năng trực tiếp xuống cơ sở cùng chính quyền địa phương và khuyến nông viên cơ sở kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân tăng cường các biện pháp chống rét cho đàn gia súc như che chắn chuồng trại, giữ nền chuồng sạch và khô, tích trữ thức ăn... Trong những ngày rét đậm, rét hại không chăn thả trâu, bò.
Tại xã Phú Long, một trong những xã vùng cao chịu nhiều ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài, chính quyền địa phương và bà con nông dân cũng đã chủ động trong việc phòng chống rét cho đàn gia súc. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Với trên 3.000 con trâu, bò, khoảng 200 con dê, chăn nuôi gia súc là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã Phú Long. Hiện nay, chăn nuôi của Phú Long không chỉ dừng lại ở mục đích lấy sức kéo mà còn là sản phẩm hàng hóa, nên trong những năm gần đây, hầu hết người dân trong xã đã nâng cao nhận thức trong việc đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, chuyển từ chăn thả tự do sang nuôi nhốt tập trung. Tuy vậy, thực tế vẫn còn khoảng 20% chuồng trại chưa được làm kiên cố. Để chủ động chống rét cho đàn gia súc, Phú Long đã tập trung tuyên truyền trên Đài truyền thanh, loa truyền thanh lưu động tại các thôn, xóm, hướng dẫn bà con cách dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Đặc biệt là cải tạo nền chuồng, đảm bảo luôn khô ráo, sạch sẽ. Ông Nguyễn Văn Vững ở thôn Phú Long cho biết: Con trâu là tài sản quý nhất của người nông dân vùng cao, vì thế trong những ngày rét, chúng tôi có chế độ chăm sóc đặc biệt như nhốt trong chuồng kín gió, cho ăn ngô, cám, cỏ khô và rơm, buổi tối dùng chăn khoác giữ ấm.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Phú Long còn cho biết: Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức về phòng, chống rét cho trâu, bò của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh việc đầu tư củng cố chuồng trại, bà con còn biết dự trữ rơm và mở rộng diện tích trồng cỏ voi, tận dụng mọi nguồn thức ăn để chống đói cho đàn gia súc.
Với sự hướng dẫn và bám sát địa bàn của chính quyền và các ngành liên quan, nên trong những đợt rét vừa qua, huyện Nho Quan đã không để con trâu, bò nào chết do rét.
Nguyễn Thơm