Chúng tôi đến xã Lạc Vân khi các cán bộ thú y ở đây đang tiến hành tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn vịt. Khác với những năm trước, hiện nay hầu hết các hộ chăn nuôi đều có ý thức rất cao trong việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình. Anh Quách Văn Thuần, thôn Hiền Quang là hộ có truyền thống nuôi vịt từ gần 10 năm nay với quy mô mỗi lứa khoảng 800-1.000 con, lúc cao điểm lên đến 1.500-2.000 con. Anh Thuần cho biết: Trước mỗi lứa tái đàn, gia đình đều tiến hành phun thuốc, rắc vôi khử trùng khu vực nuôi, đồng thời chủ động mời cán bộ thú y xuống tiêm phòng khi đàn vịt đủ ngày tuổi nhằm tạo miễn dịch chủ động, nhờ vậy đàn vịt rất ít khi bị dịch bệnh. Nhờ chăn nuôi ổn định, mỗi năm gia đình thu về 30-40 triệu đồng tiền lãi. Vụ xuân hè này, gia đình anh Thuần thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi bởi đây là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa dịch bệnh.
Trao đổi với lãnh đạo xã Lạc Vân được biết: Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn xã có sự phát triển cả về quy mô và số lượng với tổng đàn trâu, bò vào khoảng 300 con, lợn gần 4 nghìn con và gia cầm trên 31 nghìn con. Nhiều năm liền xã không có dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi. Có được kết quả đó là nhờ xã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tổ chức thực hiện tiêm phòng đúng thời gian, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, qua đó, giúp cho người chăn nuôi nhận thức được việc tiêm phòng là bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh và phát triển vững chắc.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, từ đầu năm đến nay, các địa phương khác của huyện Nho Quan cũng đang tập trung lực lượng cán bộ thú y, các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác tiêm phòng vụ xuân hè 2015. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát thống kê chặt chẽ số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm, Trạm Thú y Nho Quan còn tổ chức tập huấn kiến thức nhằm nâng cao kỹ thuật cho toàn bộ đội ngũ thú y từ huyện đến cơ sở, đồng thời cung ứng kịp thời, đầy đủ cơ số vắc xin, vật tư cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Đồng chí Trương Đức Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nho Quan cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, để đảm bảo kế hoạch tiêm phòng, Trạm đã cử cán bộ phụ trách xuống tất cả các xã, thị trấn không chỉ đôn đốc việc tiêm phòng mà còn trực tiếp tuyên truyền để người chăn nuôi có thêm kiến thức trong việc bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh, an toàn. Mặc dù thời tiết những ngày qua không thuận lợi, mưa ẩm kéo dài nhưng đã có 20/27 xã trên địa bàn huyện triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Toàn huyện đã tiêm được gần 51 nghìn liều vắc xin H5N1 cho đàn gia cầm. Ngay sau khi tiêm phòng cho đàn gia cầm, các xã tiếp tục triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của huyện Nho Quan cũng gặp không ít khó khăn do địa bàn huyện rộng, địa hình phức tạp. Một số địa phương thiếu lực lượng cộng tác viên thú y thôn dẫn đến tiến độ tiêm chậm. Bên cạnh đó, chế độ cho người thực hiện công tác tiêm phòng tại nhiều địa phương quá thấp, thậm chí có địa phương không thực hiện hỗ trợ nên không động viên, khuyến khích được lực lượng này tham gia. Chị Bùi Thị Nhinh, cán bộ thú y xã Lạc Vân cho biết: Một buổi tiêm tốt, người dân ủng hộ, cán bộ thú y cũng chỉ tiêm được 20-30 con trâu, bò; đối với gia cầm thì khoảng 2.000 con. Với giá công tiêm hiện nay là 4.000 đồng/con trâu (bò) và 200 đồng/con gia cầm thì một tổ tiêm 2-3 người một buổi thu được có 120-150 nghìn đồng. Do vậy, nhiều người không mặn mà lắm khi tham gia công tác tiêm phòng.
Mong rằng những khó khăn trên sẽ sớm được khắc phục để huyện Nho Quan hoàn thành tốt các chỉ tiêu tiêm phòng trong vụ xuân- hè, phấn đấu 80% đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng đầy đủ, đúng kế hoạch đề ra; bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Bài, ảnh: Đinh Chúc