Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nho Quan, đến 13 giờ ngày 12/10, toàn huyện còn trên 500 ha lúa mùa chưa thu hoạch. Đến thời điểm hiện tại có 369,6 ha lúa bị ngập nặng; 847,4 hacây vụ Đông bị ngập úng; 209 con gia súc, hơn 6000 con gia cầm bị chết; toàn bộ diện tích 3.080 ha thủy sản đã ngập hết bờ ngăn; 6.782 ngôi nhà, 4 trường học, nhà tập thể bị ngập; 100,38 km đường giao thông bị ngập; 6,7 km đường bị sạt lở; sạt lở 955m đê quai, 1.690m kênh mương; vỡ, hỏng 28 cống.
Để kịp thời ứng phó với các tình huống nguy hiểm và nhanh chóng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ, huyện Nho Quan đã hiệp đồng với các lực lượng theo phương án, huy động 315 cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân sự và 150 cán bộ, chiến sĩ Công an để hỗ trợ các địa phương, nhất là các xã trọng điểm trong công tác PCTT.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tập trung tại địa bàn để chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp chống ngập úng, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Tại vị trí cửa tràn tuyến Quốc lộ 45, để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện giao thông, huyện đã huy động lực lượng Công an, dân quân tự vệ sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ các phương tiện qua lại.
Thân đập Hạ lưu Hồ Đồng Chương một số điểm đã được lắp đặt mốt số ống dẫn nước, không để nước chảy tràn trên thân đập gây sạt lở, đồng thời cắm cọc tiêu để cảnh báo. Đến nay, đã cơ bản đảm bảo an toàn hồ Đồng Chương.
Khu vực bản Nga 3, xã Cúc Phương xảy ra lũ lớn do lượng mưa lớn kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo huy động máy móc, chuẩn bị rọ đá, cát để xử lý phân lũ, giảm áp lực nước cho khu vực Quèn Thạch, không để sạt lở cho tuyến đường, đảm bảo an toàn cho các hộ dân 2 bên đường. Đồng thời, thực hiện phương án di dân một số hộ dân tại chân dốc để đảm bảo an toàn.
Đến nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo bộ phận ứng trực thường xuyên, hướng dẫn nhân dân đi lại, xử lý đất đá sạt lở trên mặt đường.
Tại khu vực trọng yếu ở đê Đức Long xảy ra sự cố rò nước với chiều dài 250m, ngay sau khi phát hiện sự cố, đồng thời nhận định mực nước tại bến Đế còn tiếp tục lên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo tập trung các lực lượng, vận chuyển vật tư, cát đá tại xã và vận chuyển từ xã Gia Tường sang để xử lý kè sự cố.
Đến nay tuyến đê trên vẫn đang được bảo vệ an toàn, phấn đấu không phải thực hiện phương án xả tràn Đức Long - Gia Tường.
Đặc biệt, tuyến đê mùa Bốn Hốt xã Lạc Vân đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt, nguy cơ sạt lở và vỡ đê cao; một số đoạn bị tràn trên tuyến đê Nam Sông Rịa... Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo UBND các xã triển khai tổ chức xả tràn, đắp kè sự cố để bảo vệ thân đê.
Nguyễn Thơm