Ông Đinh Văn Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: Bão số 8 gây thiệt hại khoảng 30 ha trong tổng số 126 ha cây trồng vụ đông của xã, tập trung ở 2 thôn Lão Cầu và Hiền Lương. Thiệt hại nặng nhất là cây ớt, khoảng 15% diện tích trồng ớt của xã bị chết, còn lại 30-70% bị ảnh hưởng đến năng suất.
Ngay sau khi bão tan, UBND xã đã chỉ đạo các đội sản xuất khẩn trương hướng dẫn bà con khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước cho diện tích bị ngập úng. Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ những cây héo gẫy, khi đất khô ráo tiến hành vun xới kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh nghẹt rễ...
Khó khăn nhất hiện nay đối với xã là việc lựa chọn trồng bổ sung cây gì cho phù hợp vì thời vụ cho các cây vụ đông ưa ấm, phù hợp với đồng đất địa phương không còn, mà đồng loạt trồng rau ngắn ngày thì lại lo đầu ra tiêu thụ. Riêng cây khoai tây tuy thời vụ còn kéo dài đến 20-11 nhưng nguồn cung giống đang thiếu.
Tại thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong, không khí lao động thật khẩn trương. Bà con trong thôn đang tập trung chăm bón cho diện tích rau ăn lá mới trồng. Bà con ở đây cho biết, mưa bão đã tàn phá nhiều vùng trồng rau và có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới. Do vậy, việc tích cực chăm bón, khôi phục nhanh những diện tích rau xanh sẽ giúp bà con bán được rau với giá cao và việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan cho biết: Trước khi cơn bão số 8 đổ bộ, toàn huyện đã gieo trồng được khoảng 1.400 ha cây vụ đông các loại, đạt 40% kế hoạch. Trong đó ngô 499 ha, khoai lang 422 ha, đậu tương 45 ha, lạc 93 ha... Ngay sau khi cơn bão đi qua, huyện đã chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn nhanh chóng phân loại mức độ thiệt hại của từng loại cây trồng để có biện pháp khắc phục, đồng thời cử cán bộ trực tiếp ra đồng hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc cây màu hoặc trồng lại, trồng mới bằng những loại cây trồng còn thời vụ. Tập trung thu hoạch gọn diện tích lúa mùa còn lại cùng một số diện tích sắn, mía ở vùng trũng.
Đối với diện tích vụ đông đã trồng ngô, lạc, đậu tương, khoai lang cần vệ sinh đồng ruộng, nhổ bỏ những cây héo gẫy, vun gốc, phun phân bón lá và các chế phẩm vi lượng cho cây nhanh phục hồi. Khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ, đặc biệt là các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ trên cây ớt, cà chua, dưa chuột...
Hiện nay, huyện đang tiếp tục hướng dẫn bà con đẩy mạnh việc gieo trồng các cây vụ đông muộn trên diện tích đã gieo trồng bị bão phá hoại và trên diện tích mới để bù đắp thiệt hại vừa qua, tạo thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu