Có mặt trên cánh đồng lúa thôn Quảng Cư, xã Quảng Lạc (Nho Quan) chúng tôi thấy bà con nơi đây đang tích cực gieo cấy, tỉa dặm, bón phân, làm cỏ cho lúa. Chị Nguyễn Thị Xuân cho biết: Vụ này, gia đình tôi cấy 7 sào lúa, trong đó có 3 sào lúa chất lượng cao LT2. Do rét đậm kéo dài nên lúa sinh trưởng chậm. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, tôi làm cỏ, sục bùn, bón thúc ngay để lúa có đà hồi phục, đẻ nhánh sớm. Còn gia đình bà Bùi Thị Toán thì đang phải san ruộng để gieo xạ lại diện tích lúa cấy trước đó bị chết rét. Bà Toán cho hay: Gia đình tôi vụ này cấy 8 sào, nhưng có đến 5 sào cấy ngay trước đợt rét đậm nên bị chết. Không mua được mạ để cấy lại, gia đình bà đành phải chọn cách gieo xạ lại để đảm bảo thời vụ.
Giống như xã Quảng Lạc, người dân ở Gia Tường cũng đang nỗ lực chăm sóc lúa xuân. Vụ xuân này Gia Tường gieo cấy hơn 500 ha lúa. Hiện nay bà con trong xã đã gieo cấy được khoảng 95% diện tích. Trong đó có trong khoảng 100 ha xuân sớm ở vùng ngoài đê, ven sông, thùng đào, thùng đấu đã được gieo cấy trước Tết Nguyên đán lúa đã bén rễ hồi xanh và bước vào đẻ nhánh. Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại kéo dài trùng đúng vào khung thời vụ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng phát triển của cây lúa cũng như làm chậm tiến độ gieo cấy. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, những ngày qua, các cán bộ xã, thôn thường xuyên ra đồng, đến từng thôn, từng hộ gia đình kiểm tra, tuyên truyền, triển khai các phương pháp đối phó với thời tiết bất lợi; huy động nhân dân tu sửa mương dẫn nước, giữ nước hợp lý để chống rét và sương muối cho lúa. Ông Đinh Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tường cho biết: thời tiết đang nắng ấm trở lại, xã đã chỉ đạo các HTX hướng dẫn bà con nhanh chóng gieo cấy những diện tích còn lại đồng thời tranh thủ tỉa dặm kịp thời để đảm bảo đủ mật độ và bón thúc sớm bằng các loại phân hỗn hợp giúp lúa bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh thuận lợi.
Vụ đông xuân 2013-2014, huyện Nho Quan có kế hoạch gieo cấy 7.100 ha lúa xuân các loại, trong đó có 22% diện tích trà xuân sớm cấy ở vùng ngoài đê, khu đất trũng, còn 72% diện tích là trà xuân muộn, chủ yếu cấy bằng các giống Phú Ưu 978, Phú Ưu 1, Thục Hưng 6, Khang Dân, ải, LT2 và Bắc Thơm số 7…Riêng diện tích lúa chất lượng cao vào khoảng 2.000 ha (chiếm gần 30% diện tích). Để đảm bảo vụ sản xuất thắng lợi, ngay từ đầu vụ UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo các HTX tăng cường các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất. Đồng thời mở các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT; Chú trọng công tác Bảo vệ thực vật, triển khai sớm và thường xuyên việc đánh bắt chuột phá hại sản xuất…
Ông Trần Văn Dưỡng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Năm nay, do được dự báo sẽ có một vụ xuân ấm, nên lịch thời vụ đã được ngành Nông nghiệp điều chỉnh phù hợp. Trừ một số ít diện tích trũng thấp, ven đê... được gieo cấy sớm, còn lại hầu hết các địa phương tập trung xuống đồng cấy sau Tết Nguyên đán. Đến nay toàn huyện đã gieo, cấy được 7.000/7.100 ha, trong đó diện tích gieo thẳng khoảng hơn 1 nghìn ha tập trung chủ yếu ở các xã Gia Tường, Lạng Phong, Quảng Lạc, Văn Phong… Qua kiểm tra, cơ bản các địa phương thực hiện tương đối nghiêm túc lịch thời vụ và cơ cấu giống đề ra; đa phần các diện tích lúa đã cấy đều sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua cũng đã làm 150 ha lúa bị chết.
Thời gian tới là giai đoạn có ý nghĩa đối với vụ sản xuất, Phòng Nông nghiệp & PTNT đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, nhanh chóng khắc phục những diện tích lúa bị chết bằng cách mua mạ ở nơi khác về cấy lại hoặc gieo xạ; đảm bảo kết thúc việc gieo cấy trước ngày 25-2. Đồng thời hướng dẫn nông dân tiếp tục theo dõi đồng ruộng, ngay khi thời tiết nắng ấm tiến hành chăm bón đợt 1. Riêng những xã có diện tích lúa cấy ngoài đê tập trung chăm sóc sớm, đảm bảo cho lúa sinh trưởng phát triển nhanh, tốt, để kịp thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn đổ về.
Việc chăm sóc cho lúa phải căn cứ vào tình hình sinh trưởng, phát triển và màu sắc của từng ruộng lúa để có hướng đầu tư phù hợp, không lạm dụng quá liều lượng phân đạm, tăng cường bón bổ sung đầy đủ phân lân, vôi trên những chân ruộng bị chua phèn, ruộng bạc màu đã không bón lót, ruộng nghèo dinh dưỡng cần đầu tư nhiều phân chuồng hoai mục để cải tạo thêm thành phần cơ giới cho đất. Ruộng trũng nên tháo nước để nước trên mặt ruộng từ 1 - 2cm cho lúa đẻ nhánh; tận dụng tro bếp, chế biến phân chuồng, phân xanh để bón thay cho phân vô cơ vừa giảm chi phí đầu tư. Bón phân thúc lần 1, lần 2 phải đúng loại và liều lượng, nhất là nhóm giống lúa trung ngày, ngắn ngày phải bón sớm để đảm bảo lúa đẻ nhánh tốt. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý chặt các nguồn nước, những diện tích cấy lúa vùng cao tiến hành cấp nước cho làm đất và cấy ngay mà không để ải; chú ý giữ nước, tiết kiệm nước đảm bảo đủ và kịp thời nước cho lúa sinh trưởng và phát triển trong cả vụ.
Trạm BVTV cần triển khai quyết liệt kế hoạch diệt chuột, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi sát sự sinh trưởng, phát triển của lúa và các đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời, có hiệu quả, nhất là các đối tượng hại nguy hiểm như bệnh lùn xoắn lá, rầy nâu, sâu đục thân...
Hà Phương