Huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động toàn dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đưa các tiêu chí về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để góp phần tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng, công tác tuyên truyền, giáo dục được huyện đặc biệt chú trọng. Cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và các ngành có liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc vận động người dân thực hiện nghiêm Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với trình độ dân trí từng đối tượng, từng vùng, nhất là người dân sống ở các khu vực miền núi, thôn bản. Nội dung tuyên truyền được tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng biết cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Phổ biến các điều kiện về cơ sở vật chất, kiến thức thực hành và điều kiện sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời phê phán, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, các ngành chức năng của huyện đã chú trọng tuyên truyền giúp người dân nêu cao ý thức trong việc đảm bảo an toàn từ chính những bữa ăn trong gia đình như: việc phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán, không uống rượu có chứa cồn công nghiệp, không lạm dụng bia rượu trong ngày Tết, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính, không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị, trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia,... Bên cạnh đó, huyện Nho Quan cũng quan tâm phát động phong trào rộng khắp và duy trì việc thực hiện các tiêu chí về an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Để những kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm đến được thường xuyên với đội ngũ những người làm công tác chuyên môn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, hàng năm UBND huyện đều chỉ đạo ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, nhất là vào các dịp trọng điểm, mùa lễ hội.
Hàng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện và cấp xã đều duy trì lịch kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các cơ sở hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Năm 2015, toàn huyện có trên 1.200 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Đã có hơn 1.100 cơ sở được thanh, kiểm tra, số cơ sở có vi phạm là 295 với các lỗi chủ yếu là vi phạm điều kiện về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người. Một số sản phẩm không đạt tiêu chuẩn khi kiểm tra đều bị tiêu hủy như: sữa đặc có đường, sữa chua hết hạn sử dụng, hàn the sử dụng trong chế biến thực phẩm…
Nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/T.Ư ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) trên địa bàn huyện Nho Quan cho thấy cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện, tổ chức triển khai tốt kế hoạch "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" hàng năm đạt kết quả tích cực. Hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tích cực, chủ động và thường xuyên thực hiện việc kiểm tra và giám sát hầu hết các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện, việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định. Do đó, trên địa bàn huyện nhiều năm qua không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn; việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của huyện vẫn còn nhiều khó khăn: Do tập quán ăn uống, trình độ dân trí, thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; sự gia tăng số lượng nhà máy, các khu công nghiệp lớn, tập trung người lao động tác động trực tiếp tới vấn đề an toàn thực phẩm của các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp. Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm còn chưa đầy đủ; vẫn còn cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng… Những vấn đề trên đặt ra cho huyện Nho Quan cần phải tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo về đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng trong thời gian tới.
Lý Nhân