Tuy mới chính thức thành lập được 1 năm nay nhưng đội văn nghệ đàn và hát dân ca thôn Phong Lai 1, xã Đồng Phong hoạt động rất bài bản, quy củ. Với 17 thành viên, chủ yếu làm nông nghiệp, đa phần đã lên ông, lên bà nhưng trong họ tràn đầy niềm đam mê với các làn điệu chèo, câu hò ví dặm, điệu hát dân ca quan họ mượt mà, sâu thẳm. Bác Nguyễn Trung Khánh, đội trưởng cho biết: Chiều thứ 7 hàng tuần, các thành viên trong đội lại đến nhà văn hóa phố để luyện tập các ca khúc, dàn dựng các vở diễn chèo, các ca khúc dân ca và đương đại. Đặc biệt, những tiết mục của đội luôn phản ánh đúng, trúng các vấn đề xã hội mang tính thời sự về giao thông, ma túy, KHHGĐ, xây dựng nông thôn mới...
Điều khác biệt trong phong cách biểu diễn của đội văn nghệ thôn Phong Lai là tuy hát về các vấn đề đương đại nhưng các làn điệu của tú chèo cổ được đội lưu giữ và phát huy, không có cải biên như cách hát, cách cú, hát sắp, hát lảy, vỉa sắp dựng, sắp gối, hồi tiếu... Với sự luyện tập thường xuyên, liên tục, đội văn nghệ của thôn luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân trong thôn, xã trong các dịp lễ, Tết. Các cuộc giao lưu, biểu diễn là dịp để thành viên trong đội học hỏi, nâng cao hiểu biết về các thể loại trong kho tàng nghệ thuật dân tộc.
Cô Đinh Thị Thịnh, thành viên đội văn nghệ, Phó Bí thư Chi bộ thôn Phong Lai 1 cho biết: Hoạt động của đội văn nghệ thôn được cấp ủy, chính quyền thôn rất quan tâm, tạo điều kiện được đông đảo quần chúng nhân dân thôn ủng hộ, có tác động tích cực trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tạo nền tảng thúc đẩy phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong thôn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nho Quan đã thành lập 5 CLB và 243 tổ, đội văn nghệ tại các thôn, xóm, phố. Các CLB, đội văn nghệ được thành lập, thường xuyên hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhân dân mà còn phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Để duy trì hoạt động thường xuyên, các CLB, tổ, đội văn nghệ xây dựng tiêu chí sinh hoạt CLB rất bài bản, nội dung biểu diễn phong phú, đa dạng, đa phần hướng về các thể loại văn nghệ dân tộc như CLB tổ, đội văn nghệ chèo, thơ ca, hát văn, hát xẩm, hát sắc bùa, văn hóa cồng chiêng...
Cùng với đó, các CLB thường xuyên tổ chức giao lưu với các CLB trong và ngoài huyện để tạo điều kiện cho các hội viên có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn, sáng tác. Đến nay, phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển sâu rộng tới các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhiều CLB hoạt động hiệu quả như: CLB nghệ thuật phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, CLB văn nghệ Vườn Quốc gia Cúc Phương, CLB chèo thôn Xưa (xã Sơn Lai), CLB chèo xã Sơn Thành, CLB chèo thôn Ngọc Nhị (xã Gia Thủy).
Một trong những yếu tố quan trọng duy trì, thúc đẩy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các CLB, tổ, đội văn nghệ quần chúng chính là sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã đầu tư kinh phí cho các CLB dàn dựng các chương trình ca múa nhạc để tham gia các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều xã, thị trấn còn hỗ trợ kinh phí để các đội văn nghệ luyện tập, mua sắm trang phục biểu diễn. Cùng với đó, các địa phương cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất văn hóa.
Hàng năm, huyện đã chủ động bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, các nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, sân vận động, sân thể thao phổ thông, điểm vui chơi cho trẻ em, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Năm 2013, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa toàn huyện ước đạt trên 80 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 18 nhà văn hóa xã, 243 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 3 nhà văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mường.
Bài, ảnh: Hồng Vân