Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết một số kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của huyện trong thời gian qua?
Đồng chí Bùi Thị Quế: Với đặc thù là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Nho Quan gặp nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo. Theo thống kê, đến tháng 11-2007, toàn huyện có 6.068 hộ nghèo, chiếm 17,17% và số hộ cận nghèo còn tương đối cao. 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hầu hết đều có địa hình, điều kiện canh tác gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về "Tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010" và Đề án số 15 của UBND tỉnh, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đối với các xã vùng cao, huyện tập trung hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tận dụng điều kiện tự nhiên để đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: cây dưa, cây lạc, cây khoai lang, nuôi lợn, nuôi nhím, nuôi dê sinh sản..., thông qua việc hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn và chuyển giao KHKT. Mặt khác, huyện còn chuyển diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang trồng rừng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng tại các xã: Thạch Bình, Quảng Lạc, Kỳ Phú, Phú Long, Gia Lâm với diện tích trên 200 ha, giúp nhân dân yên tâm, phấn khởi bám đất, bám rừng.
Đối với những xã vùng đồng chiêm trũng, vùng phân lũ, chậm lũ, huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình lúa - cá, mở rộng diện tích lúa tái sinh trên những diện tích chỉ canh tác được một vụ lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho hơn 19.400 hộ nghèo vay trên 190 tỷ đồng. Nhờ đó, từ phương thức sản xuất tự cung tự cấp dựa nhiều vào tự nhiên, đến nay các hộ khó khăn đã biết đầu tư nuôi lợn, nuôi bò, hươu, nhím, xây dựng chuồng trại ủ phân, trồng ngô, trồng mía… tạo nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Từ năm 2005 đến nay, huyện cũng đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 2.195 ngôi nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, chỉ trong 3 năm, Nho Quan đã giảm được 8,17% số hộ nghèo trong toàn huyện.
P.V: Vậy đâu là nguyên nhân của những thành công đó, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Thị Quế: Kinh nghiệm của Nho Quan trong công tác giảm nghèo cho thấy, khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên thì mọi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ giảm nghèo sẽ thực hiện tốt và đem lại hiệu quả cao. Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ cấp bách cả trước mắt và lâu dài nên các cấp ủy, chính quyền, MTTQ cùng các ban, ngành, đoàn thể trong huyện đều nỗ lực "vào cuộc". Trước tiên là nắm chắc số hộ nghèo là đoàn viên, hội viên, tìm hiểu nguyên nhân, sau đó phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ. Bên cạnh việc hỗ trợ các hộ nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, động viên gia đình, dòng họ giúp đỡ hộ nghèo, các cấp, các ngành trong huyện còn giúp xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện đất đai, hoàn cảnh của từng hộ. Xây dựng những mô hình, điển hình vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng để các đoàn viên, hội viên noi gương học tập tạo thành phong trào thi đua xóa đói, giảm nghèo trong nhân dân.
Các cơ sở dạy nghề của huyện đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều lớp đào tạo các nghề: may công nghiệp, mây tre đan, làm chiếu trúc, đan cói xuất khẩu, hàn điện, trồng nấm rơm, nuôi thỏ… Sau đào tạo, các cơ sở dạy nghề đã phối hợp với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn như: Công ty cổ phần may Văn Phú, Công ty may Thăng Long tạo việc làm cho trên 400 lao động, mở hướng thoát nghèo bền vững cho người dân trong huyện.
Nho Quan đã tranh thủ nguồn vốn của tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phụ dân sinh như: đường giao thông, trạm y tế, các công trình thủy lợi, chợ, trạm biến áp… tạo cơ sở vững chắc để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
P.V: Trong thời gian tới, để có thể giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện sẽ tập trung vào những giải pháp gì?
Đồng chí Bùi Thị Quế: Giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện giai đoạn từ nay đến năm 2015, vì thế để làm tốt nhiệm vụ này huyện sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể từ huyện đến các thôn, bản thực hiện các biện pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, chống tái nghèo; gắn công tác giảm nghèo với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm.
Trong đó, Nho Quan tiếp tục chú trọng công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ nghèo nhằm xóa bỏ mặc cảm tự ty, tư tưởng trông chờ ỷ lại, giúp họ thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trong phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo, coi việc giảm nghèo trước hết thuộc về từng cá nhân, gia đình. Thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo để khơi dậy nguồn lực tại chỗ, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Lồng ghép và huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong công tác tập huấn, chuyển giao KHKT, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế hộ, định hướng nghề nghiệp và dạy nghề cho người dân phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu lao động... nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã đề ra.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Quốc Khang (Thực hiện)