Phát triển nông nghiệp theo thế "chân kiềng" Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh, với 2/3 diện tích đồi, rừng. Diện tích còn lại của huyện với hơn 6.000 ha trồng lúa và hơn 10.000 ha đất ven đồi núi, bán sơn địa và vùng chiêm trũng thường xuyên bị ngập lụt. Địa hình phức tạp như vậy gây rất nhiều khó khăn cho việc phát triển nông nghiệp một cách hợp lý để có hiệu quả kinh tế, đưa nông dân ở những vùng núi khó khăn thoát khỏi đói nghèo.
Biến khó khăn thành lợi thế, khi thực hiện "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp", Nho Quan xác định: "Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Nho Quan sẽ không tập trung vào chuyên canh một loại cây, con nào mà phải phát huy được lợi thế vùng miền. Do đó định hướng của Nho Quan sẽ hình thành 3 mũi nhọn đặc trưng của 3 vùng: miền núi, bán sơn địa và chiêm trũng. 3 mũi nhọn này sẽ tạo nên thế "chân kiềng" vững chắc cho nền nông nghiệp ở Nho Quan", đồng chí Đinh Văn Tiên, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết.
Sau khi dồn điền, đổi thửa, huyện đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ổn định diện tích 15.200ha cây lương thực có hạt cùng với diện tích cây công nghiệp ngắn ngày như: mía, dứa ở các xã vùng cao, phát triển chăn nuôi đại gia súc và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở các xã: Phú Lộc, Lạng Phong, Quỳnh Lưu, Thạch Bình. Ngoài ra, huyện đã tiến hành chuyển đổi 450 ha đất lúa thường xuyên bị khô hạn, năng suất thấp sang trồng cây hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao ở các xã: Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long, Thạch Bình, Sơn Lai, Quảng Lạc…
Đối với những xã vùng chiêm trũng, huyện đã cải tạo 1.200 ha vùng úng trũng ở các xã: Sơn Lai, Quỳnh Lưu, Văn Phú, Sơn Thành, Thanh Lạc, Thượng Hòa... sang nuôi trồng thủy sản theo mô hình lúa - cá. Mô hình này qua thời gian đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Vụ mùa năm 2016, huyện Nho Quan đã chuyển đổi được hơn 250 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đưa tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn huyện lên gần 3.000 ha, chủ yếu tập trung ở các xã Thanh Lạc, Thượng Hòa, Phú Lộc, Văn Phong… sản lượng ước đạt 7.200 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015.
Đối với vùng bán sơn địa, huyện định hướng đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển các vùng trồng rau, màu ở các xã: Gia Thủy, Yên Quang, Phú Sơn, Đồng Phong… Vùng sản xuất ớt xuất khẩu, ngô ngọt, bí xanh ở xã Thạch Bình và Văn Phú; ngô ngọt ở xã Quỳnh Lưu và Xích Thổ; khoai sọ, lạc đông ở xã Yên Quang.
Với hướng đi đó, Nho Quan đã đa dạng cơ cấu mùa vụ, phá thế độc canh cây lúa, mang lại nguồn thu đáng kể, giúp dân làm giàu ngay trên đồng đất quê mình. Năm 2016, giá trị sản phẩm đạt 88,3 triệu đồng/1ha canh tác (tăng 26% so với năm 2015); tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 82.196 tấn, đạt 103% kế hoạch (tăng 6% so với năm 2015). Chăn nuôi tiếp tục được quan tâm, dịch bệnh lớn không xảy ra. Toàn huyện hiện có 1.008 gia trại, trang trại.
Đa dạng các nguồn lực đầu tư
Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện cũng chú trọng phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 812 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với năm 2015, tăng 12 tỷ đồng so với kế hoạch. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn như: Đá khai thác, gạch đất nung, dầu FO-R, nước thương phẩm, quần áo may sẵn, tinh bột sắn; các làng nghề thủ công truyền thống, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng được quan tâm, khuyến khích phát triển...
Sự tăng trưởng của 2 ngành kinh tế quan trọng là công nghiệp và nông nghiệp tạo nền móng để Nho Quan kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn. Để thu hút đầu tư, huyện Nho Quan tích cực cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, Nho Quan chú trọng liên kết, liên doanh tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Huyện đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Xây dựng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch dịch vụ, phát triển các cụm công nghiệp: Xích Thổ, Đồng Phong, Sơn Lai, Sơn Hà…
Năm 2016, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn huyện. Đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, GPMB bàn giao 10ha cho Công ty EVERJET INTERNATIONAL CO.LTD của Đài Loan xây dựng nhà máy sản xuất giày da tại Cụm công nghiệp Văn Phong với tổng mức đầu tư 15 triệu USD, tương đương 350 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho 4.000-4.500 lao động; hỗ trợ Công ty cổ phần Dương Đông - Sài Gòn thành lập chi nhánh tại Nho Quan để kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Tạo sức bật mới
Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Đinh Văn Tiên cho biết: Năm 2017, trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, Nho Quan sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết, hình thành chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững; tổ chức sản xuất theo quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp: Vùng trồng lúa, vùng nuôi trồng thủy sản; mở rộng diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc; khuyến khích "tích tụ ruộng đất", liên kết với doanh nghiệp, sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao giá trị sử dụng đất.
Tích tụ ruộng đất được triển khai thực hiện theo hình thức HTX nông nghiệp là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân để ký hợp đồng thuê đất, hình thành các thửa đất có diện tích đảm bảo cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê để phát triển kinh tế theo hướng gia trại, trang trại tập trung… hạn chế tối đa diện tích đất nông nghiệp không sản xuất.
Huyện cũng sẽ tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, mang tính đặc thù của địa phương ra thị trường như: Gạo nếp cau Thường Xung, khoai sọ Yên Quang, nhung hươu, mật ong Cúc Phương... Triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung xa khu dân cư, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất và chế biến thực phẩm.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, huyện sẽ chủ động trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để phù hợp với tình hình thực tế. Song hành với đó là các chính sách hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp; củng cố, mở rộng các làng nghề truyền thống như nghề gốm, nghề thêu xã Gia Thủy, nghề mộc ở Sơn Hà và đá mỹ nghệ ở Quỳnh Lưu… tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường để tận dụng nguyên liệu và nguồn nhân công tại chỗ, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động...
Tin rằng với hướng đi đúng đắn và sự vào cuộc mạnh mẽ cả hệ thống chính trị, Nho Quan sẽ khắc phục những khó khăn, có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế, vươn lên trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh Ninh Bình.
Nguyễn Thơm