Huyện miền núi Nho Quan là đơn vị còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào dân tộc chiếm khoảng 16% dân số, 25/27 xã của huyện thuộc vùng khó khăn, nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân về công tác dân số - KHHGĐ còn hạn chế. Để thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh đẻ, KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao chất lượng dân số, Nho Quan đã chú trọng đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe/KHHGĐ cho các đối tượng. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết: Từ năm 2011 đến 2015, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai thực hiện mỗi năm 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao và chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng, cung cấp đầy đủ, kịp thời, đa dạng các biện pháp tránh thai đến tận người sử dụng dịch vụ, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS/KHHGĐ của người dân góp phần làm giảm tỷ lệ sinh đạt mục tiêu 0,25-0,3%o/năm; tỷ lệ phụ nữ của huyện được khám thai từ 3 lần trở lên đạt 99%; 100% bà mẹ sau sinh được chăm sóc y tế; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 78,5%. Để nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, trong giai đoạn 2011-2015, huyện Nho Quan triển khai hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như Đề án "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh", đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân", mô hình "Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng". Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, Ban dân số xã, thị trấn tổ chức được 54 lớp cung cấp kiến thức về dân số, SKSS, KHHGĐ và Đề án "Nâng cao chất lượng dân số" cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, trưởng các ban, ngành, đoàn thể của các xã thực hiện mô hình; tổ chức các câu lạc bộ không có người sinh con thứ 3, câu lạc bộ tiền hôn nhân, các hoạt động tuyên truyền, tư vấn; xây dựng pa nô, áp phích, cấp tờ rơi, phát tin trên đài truyền thanh 3 cấp về các mô hình, đề án... Hiện nay, huyện đã triển khai đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh" tại 27/27 xã, thị trấn. Mục tiêu của đề án là tuyên truyền, vận động đối tượng là phụ nữ mang thai, phụ nữ mới kết hôn, phụ nữ 1 con, phụ nữ có 2 con một bề, phụ nữ chuẩn bị kết hôn được cung cấp kiến thức về lợi ích, ý nghĩa quan trọng của Đề án nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ em sinh ra hàng năm mắc các khuyết tật bẩm sinh. Mỗi năm, toàn huyện có trên 1.230 lượt người tham gia các lớp cung cấp kiến thức, tăng số bà mẹ mang thai hàng năm tham gia siêu âm sàng lọc trước sinh, tăng số trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu xét nghiệm và số trẻ phát hiện các bệnh như thiếu men G6PD được hướng dẫn và điều trị theo phác đồ.
Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, việc tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cũng được triển khai trên toàn huyện. Cùng với việc cung cấp kiến thức cho phụ huynh và các em học sinh khối 9 trường THCS, chương trình khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cũng được thực hiện đối với đối tượng là nam, nữ vị thành niên, thanh niên chuẩn bị kết hôn để phát hiện các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, các tiềm ẩn nếu không kiểm tra tiền hôn nhân. Tỷ lệ thanh niên, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn sức khỏe đạt khoảng 40%.
Điểm khá nổi bật của Nho Quan trong công tác dân số-KHHGĐ những năm gần đây là đã dần kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ổn định mức sinh hợp lý. Nếu như năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 115 bé trai/100 bé gái, đến năm 2014 còn 112 bé trai/100 bé gái. Uớc 6 tháng năm 2015, tỷ lệ được giảm đáng kể khoảng 103 bé trai/100 bé gái.
Hồng Vân