Những con đường gồ ghề, lầy lội trước đây giờ đã được trải nhựa, đổ bê tông phẳng lì dẫn đến từng thôn xóm, bản làng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy, chính quyền, người dân các xã, thị trấn cũng không ngừng nỗ lực vươn lên góp sức, chung tay cùng xây dựng một cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Phát huy lợi thế của một xã vùng cao, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Phú Long đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa cây dứa và mía vào thâm canh. Sau nhiều năm trồng và canh tác cho thấy, các loại cây công nghiệp này khá phù hợp với đồng đất địa phương, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo ở xã Phú Long. Điển hình như gia đình ông Tống Văn Hấn ở thôn 2, những năm trước gia đình ông có khá nhiều diện tích đất đồi bỏ hoang, số ít còn lại trồng sắn nhưng năng suất thấp, đầu ra lại không ổn định. Nhận thấy cây dứa là loại cây chịu hạn tốt, phù hợp với chất đất vùng cao, gia đình ông Hấn chuyển toàn bộ diện tích đất bỏ hoang và trồng sắn kém hiệu quả sang trồng dứa. Dứa là loại cây không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm có thể cho thu hoạch từ 3-4 lần tùy thuộc vào cách xử lý của từng hộ. Với năng suất đạt bình quân 15 tấn/ha, giá bán ngay tại ruộng từ 4.300- 4.500đồng/kg, trừ các loại chi phí, mỗi ha cho lãi trên 60 triệu đồng, giúp gia đình ông Hấn ngày càng có cuộc sống ổn định, khá giả.
Là xã đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, những năm qua Đảng ủy, chính quyền xã Phú Long đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh và chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng múa và dứa kết hợp chăn nuôi những con đặc sản như hươu, nhím, dê… Do chất đất nơi đây tốt, tầng đất canh tác sâu, đảm bảo cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất trung bình đạt 100-120 tấn/ha, giá trị ước đạt 120 triệu đồng/ha. Ưu thế của cây mía là chi phí về giống, vốn, phân bón và công chăm sóc ít, trong khi trồng một lần cho thu hoạch 5 vụ. Mặt khác, đầu ra cho sản phẩm mía dễ tiêu thụ trên thị trường, là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho Nhà máy Mía đường Việt- Đài (tỉnh Thanh Hóa). Còn cây dứa thì cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Từ những thuận lợi đó, những năm gần đây, người dân Phú Long đã tập trung cải tạo diện tích hoang hóa, thay thế những cây trồng năng suất thấp bằng cây mía và cây dứa. Toàn xã hiện có trên 900 ha trồng cây công nghiệp, trong đó chủ yếu là diện tích trồng mía và dứa, còn lại là sắn và một số cây trồng khác.
Đồng chí Quách Thị Xuân, Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Thực tế những năm qua cho thấy, một số cây công nghiệp như mía và dứa đưa vào trồng trên địa bàn xã Phú Long thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2013 xuống còn 6,9%, hộ cận nghèo là 9,1%. Giá trị từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đạt trên 37 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7,5 triệu đồng/năm, tăng 1 triệu đồng/người/năm so với năm 2012…
Đồng chí Mai Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Những năm qua, đặc biệt năm 2013, việc triển khai các đề án phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân được huyện Nho Quan đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình, mô hình kinh tế được tập trung đầu tư đúng hướng. Đi đôi với đó là những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Vì vậy ngày càng có nhiều mô hình nuôi con đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao như hươu, dê, ong… xuất hiện ở địa phương, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Năm 2013, cây công nghiệp ở Nho Quan tiếp tục phát huy thế mạnh, toàn huyện hiện có trên 2.500 ha trồng cây công nghiệp, chủ yếu là mía, dứa, sắn… Đây là những cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 của toàn huyện xuống còn 7,8%.
Từ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nho Quan đạt 7,5%. Cơ cấu các ngành kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực và hiệu quả, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; các xã nghèo, xã vùng cao có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp... Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Đảng bộ huyện đã ưu tiên tập trung vốn đầu tư từ ngân sách cho nông thôn, vùng khó khăn. Trong sản xuất CN-TTCN, huyện tập trung phát triển theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành có nhiều lợi thế như: sản xuất vật liệu xây dựng, may công nghiệp, mộc dân dụng…
Năm 2014, Nho Quan xác định tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tối đa lợi thế của địa phương miền núi, nhân rộng mô hình kinh tế đồi rừng, đưa những cây, con phù hợp vào sản xuất, thâm canh nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác…
Hạnh Chi