Xã Xích Thổ là một trong những xã của huyện Nho Quan đang bị ảnh hưởng nặng do bão, lũ. Mưa lớn nhiều giờ
liền với mực nước sông dâng lên cao đã làm
136 ha lúa
mùa của xã ngập úng,
trong đó có 107 ha ngập trắng, diện tích còn lại ngập phấp phơ; gần 50 ha diện tích lúa- cá bị thiệt hại; 25 ngôi nhà bị ngập nước và một số tuyến đê và đường giao thông bị sạt lở. Hiện nay, cán bộ và nhân dân trong xã đang tập trung triển khai phương án phòng, chống, bão lũ và nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
Ông Bùi Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ cho biết: Với diễn biến tình hình thời tiết xấu và những thiệt hại trước mắt do bão, lũ gây ra, xã đã chỉ đạo cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, nắm bắt tình hình, thống kê toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, tài sản, nhà cửa để có biện pháp khắc phục cụ thể cho từng loại cây trồng, từng công trình bị thiệt hại.
Đối với diện tích lúa bị ngập úng có thể cứu được, xã đã chỉ đạo các trạm bơm tiêu vận hành tối đa công suất bơm tiêu nước trong đồng ra sông chống úng cho lúa. Những diện tích cây màu đổ ngả thì khuyến cáo nhân dân tập trung tiêu thoát nước, dựng cây, rửa lá, chăm bón để cây nhanh hồi phục, còn những diện tích không thể phục hồi thì chuẩn bị các giống cây trồng ngắn ngày còn thời vụ để gieo trồng bổ sung.
Đối với 25 hộ bị ngập do nước sông dâng lên cao, xã đã giao cho các thôn huy động lực lượng là các tổ chức, đoàn thể di chuyển toàn bộ tài sản, người già và trẻ em đến nơi an toàn. Khi nước rút tiếp tục hỗ trợ các hộ dân dọn vệ sinh nhà cửa, bể và giếng nước để nhân dân ổn định cuộc sống.
Tại xã Văn Phong, mưa lũ cũng làm ngập úng gần 200 ha lúa mùa, trong đó ngập trắng gần 80 ha lúa và gần 100ha ngập phất phơ.
Do trạm bơm tiêu cống Giồng xây dựng từ năm 1973 đang bị hỏng nên xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu úng bảo vệ lúa mùa. Nếu thời tiết tiếp tục có những diễn biến xấu, gây mưa lớn trong nhiều ngày thì các hộ dân trong xã có nguy cơ bị ngập trong nước và mất trắng hàng trăm ha lúa và hoa màu.
Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Văn Phong cho biết: Với tình hình thiệt hại như trên, trước mắt xã tập trung huy động nhân lực, máy móc khắc phục thiệt hại gây ra cho cây lúa, cây màu và tiếp tục vận động nhân dân chủ động bảo vệ tài sản, lúa và hoa màu khi có những tình huống xấu xảy ra.
Trong thời gian tới, xã Văn Phong mong muốn được quan tâm đầu tư khôi phục trạm bơm cống Giồng vì khi trạm bơm đi vào hoạt động bảo vệ 280 ha lúa đang cấy và xã có thể mở rộng diện tích gieo cấy thêm hơn 300 ha nữa. Bên cạnh đó, khi trạm bơm hoạt động sẽ rút nước nhanh, bảo vệ môi trường trong vùng và hạn chế dịch bệnh do bão, lũ gây ra.
Theo báo cáo nhanh về công tác phòng, chống lũ lụt trên địa bàn huyện Nho Quan, tính đến ngày 10/8, mưa lớn và nước lũ tràn về làm mực nước tại cầu Nho Quan là 3,55m, tại bến Đế là 3,51m, tại Hưng Thi là 9,61m.
Lũ lụt đã làm 730 ha lúa mùa bị ngập, trong đó gần 350 ha bị ngập trắng, trên 380 ha ngập phấp phơ; trên 900 ha cây màu (Ngô, lạc, rau đậu, mía, sắn), trên 60 nghìn các loại cây trồng khác, trên 700 ha nuôi trồng thủy sản (trong đó trên 430 ha bị mất trắng tập trung ở xã Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Sơn) của huyện cũng bị ảnh hưởng.
Các xã nằm trong vùng chậm lũ có diện tích lúa bị ảnh hưởng nhiều nhất là xã Gia Tường (144 ha lúa), Xích Thổ (136 ha), Gia Thủy (120 ha),… Mưa, lũ cũng làm tốc mái 3 phòng học, đổ 17 cột điện, làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, hỏng nhiều công trình thủy lợi như đê, bờ vùng nội đồng, cống.
Ông Nguyễn Văn Phú, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan cho biết: Trước những thiệt hại trên, huyện Nho Quan đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, bảo vệ lúa mùa, cây hoa màu, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Huyện đã phân công cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, thống kê, rà soát toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, tài sản bị thiệt hại. Tập trung toàn bộ máy bơm của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Nho Quan và máy bơm của các HTX cùng các máy bơm dã chiến bơm tiêu úng cứu lúa.
Đối với những diện tích hoa màu bị đổ, bị vùi lấp huyện chỉ đạo tiến hành dặm sớm để kịp thời vụ còn những diện tích không thể khắc phục được người dân cần khẩn trương làm đất lại để trồng các cây trồng ngắn ngày còn thời vụ như cây ngô.
Trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trước, huyện Nho Quan đã yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện, các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24h, tiến hành các biện pháp phòng chống lụt bão; theo dõi diễn biến mưa bão để có biện pháp ứng phó kịp thời; tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác, bảo vệ an toàn đê, kè, cống, các trọng điểm xung yếu; tập trung khắc phục thiệt hại do lũ lụt; tạm ngừng các tuyến đò ngang, đò dọc đến khi hết lũ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản của nhân dân.
Hồng Giang