Gia đình ông Nguyễn Văn Chính, ở thôn Đồng Nang (xã Văn Phú) là một trong những gia đình cựu chiến binh phát triển kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay của các cấp Hội. Nhận thấy điều kiện của gia đình thích hợp để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp VAC, thông qua kênh của các cấp Hội Cựu chiến binh huyện, ông Chính đã vay được số tiền 20 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.
Với diện tích trên 2000m2 và hơn 1 sào ao, ông đã đầu tư nuôi lợn thương phẩm; trồng bưởi diễn cũng như thả các loại cá truyền thống… Nhờ cần cù chịu khó áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, hiện nay thu nhập từ trang trại đem lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chính còn chia sẻ những kinh nghiệm làm giàu cho nhiều hộ gia đình khác trong xã. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các công tác từ thiện nhân đạo, giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…
"Được sự quan tâm của các cấp Hội trong việc hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, gia đình tôi đã từng bước vươn lên thoát nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học ngày một tốt hơn", ông Chính chia sẻ
Ông Hoàng Văn Thanh ở xã Gia Tường cũng là một trong những trường hợp đã sử dụng có hiệu quả từ nguồn vốn vay hỗ trợ của các cấp Hội CCB. Ông Thanh cho biết: Thông qua kênh của Hội Cựu chiến binh xã, tôi được vay vốn để phát triển kinh tế. Từ 1,5 ha đất dồn điền đổi thửa, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, với gần 3 mẫu ao nuôi thả các loại cá truyền thống như cá mè, cá trắm, cá trôi… hằng năm thu hoạch được từ 5-8 tấn cá, đem lại thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nho Quan: Những năm qua, nhằm giúp đỡ các hội viên có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên trong cuộc sống, động viên các hội viên tích cực đầu tư phát triển kinh tế với khả năng và quy mô phù hợp, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.
Đặc biệt là các cấp Hội đã tích cực đứng ra nhận ủy thác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để giúp hội viên có nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc tích cực khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, các cấp Hội đã huy động tối đa các nguồn lực tại chỗ để gây quỹ, giúp hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, tổng nguồn vốn vay ủy thác, vốn vay các chương trình dự án, các tổ chức tín dụng và quỹ nội bộ Hội cho nhau vay của Hội Cựu chiến binh huyện đang quản lý trên 117 tỷ đồng cho hàng nghìn hội viên vay để phát triển kinh tế, từ đó nhiều cựu chiến binh đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hiện toàn huyện có 23 doanh nghiệp, 11 HTX và tổ hợp tác sản xuất, 36 trang trại, 46 gia trại, cơ sở sản xuất, đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả với nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh do cán bộ, hội viên cựu chiến binh làm chủ, tạo việc làm ổn định cho 1.747 lao động địa phương (trong đó có trên 50% lao động là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh) với mức thu nhập bình quân từ 2,5-5,5 triệu đồng/người/tháng góp phần giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống gia đình và phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương.
Để phong trào phát triển kinh tế ngày càng hiệu quả, thời gian tới, Hội Cựu chiến binh huyện Nho Quan tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, triển khai thêm các giải pháp cụ thể giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, góp phần làm giàu cho gia đình và địa phương.
Bài, ảnh: Mạnh Tuấn