Hưởng ứng chương trình này, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt xã viên, nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ, sản xuất nhiều giống lúa lai, lúa cao sản, lúa chất lượng cao. Thời tiết đang ấm, nắng là điều kiện rất thuận lợi để nông dân tranh thủ xuống đồng cấy lúa đông xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Trên khắp các xứ đồng, chúng tôi nhận thấy không khí lao động tất bật, khẩn trương của bà con nông dân.
Nho Quan là huyện miền núi, địa hình không bằng phẳng, nhưng đến thời điểm hiện nay ở tất cả các chân ruộng cấy lúa trên địa bàn, việc chỉ đạo điều tiết nước đã đảm bảo phục vụ đầy đủ để nhân dân làm đất, gieo cấy theo lịch thời vụ đặt ra. Đến ngày 5-2, toàn huyện đã cấy được 3.350 ha/7.000 ha tổng diện tích kế hoạch cấy lúa vụ đông xuân, chiếm gần 50% diện tích. Với tiến độ này, Nho Quan phấn đấu đến ngày 15-2 sẽ cơ bản hoàn thành. Trong đó, diện tích cấy xuân sớm chiếm 20%, còn lại là xuân muộn.
Từ kinh nghiệm sản xuất những năm qua ở Nho Quan cho thấy, nguyên nhân dẫn đến năng suất lúa đạt chưa cao đó là việc chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ, đầu tư cho thâm canh cây lúa của xã viên, nông dân còn hạn chế do điều kiện thổ nhưỡng, cơ sở hạ tầng, thủy lợi khó khăn. Từ đó, huyện đã tập trung nguồn lực, sự hỗ trợ của tỉnh để xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho việc sản xuất, nhất là hệ thống bờ vùng, bờ đê chống lũ tiểu mãn; đồng thời tích cực vận động nhân dân đưa giống mới có giá trị, năng suất cao vào gieo cấy, mạnh dạn thực hiện đầu tư thâm canh phù hợp, đúng quy trình, nhờ đó đã cho hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ cấy lúa lai, lúa có năng suất, chất lượng cao tăng lên, trung bình từ 60 - 80%, có đơn vị lên đến 90%. Cơ cấu mùa vụ cũng có sự thay đổi, nhiều diện tích chuyển sang cấy trà xuân muộn thay vì trà xuân sớm, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao hơn.
Nông dân xã Đức Long (Nho Quan) cấy lúa đông xuân. Ảnh:Thế Minh. Đức Long là một trong những xã thuộc vùng "rốn lũ" của huyện Nho Quan. Những năm gần đây đã mạnh dạn đưa vào gieo cấy nhiều diện tích lúa lai, nhờ đó năng suất, sản lượng lúa của xã luôn tăng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế. Vụ đông xuân năm 2008, xã đã đưa các giống lúa lai như Phú ưu I, Phú ưu 938, My son 4... vào sản xuất, năng suất đạt khoảng 82 tạ/ha/vụ. Phát huy kết quả đó, năm nay, trong cơ cấu giống mùa vụ, xã đã xây dựng kế hoạch sản xuất với 520 ha. Diện tích xuân sớm chiếm khoảng 5 - 10%, còn lại là xuân muộn, diện tích lúa lai chiếm trên 90%, trong đó có 300 ha diện tích cấy lúa cao sản ở 11 đội sản xuất.
Tại cánh đồng của đội sản xuất số 7 thôn Thần Lũy, chị Đinh Thị Ngát, cho chúng tôi biết: Lúa lai là giống lúa cho hiệu quả kinh tế cao, đang được nhiều hộ dân trong xã đưa vào sản xuất. Riêng gia đình chị, tổng diện tích cấy lúa là 1,4 mẫu, vụ lúa đông xuân năm 2008 cấy 7 sào lúa lai, năng suất đạt cao, khoảng 3 tạ/sào. Phấn khởi với kết quả đó, vụ này gia đình chị tiếp tục cấy trên 1 mẫu lúa lai, trong đó có giống lúa cao sản vừa được phát động đưa vào gieo cấy.
Trong vụ đông xuân này, nhân dân trong tỉnh đã đồng tình, hưởng ứng thực hiện chủ trương thực hiện gieo cấy 20.000 ha lúa cao sản trong năm 2009 của tỉnh, bởi đây là giống lúa mới có tính ưu việt cao, tỉnh hỗ trợ giống với mức 15.000 đồng/sào. Ở Gia Viễn, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện còn hỗ trợ thêm cho mỗi sào cấy lúa cao sản 5.000 đồng. Đây là một trong những yếu tố đẩy diện tích cấy lúa cao sản của toàn huyện tăng cao, chỉ trong vụ đông xuân này đã đạt trên 2.150 ha, vượt kế hoạch giao 2.000 ha/năm. Đưa cơ cấu giống lúa lai của Gia Viễn trong vụ này chiếm trên 65%, còn lại là các giống thuần.
Trong vụ sản xuất đông xuân năm nay, kế hoạch gieo cấy của Gia Viễn là 6.900 ha, trong đó diện tích xuân sớm chiếm 15%, chủ yếu là diện tích lúa ngoài đê, diện tích lúa + cá, thùng đào, thùng đấu, còn lại là xuân muộn. Những giống lúa chủ lực được đưa vào gieo cấy là Thục hưng 6, Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Phú ưu 1... Hiện nay, các khâu như làm đất, nước, phân bón, mạ... đã được chuẩn bị tốt, sẵn sàng cho việc gieo cấy hết diện tích đề ra. Toàn huyện đã cấy được gần 50% diện tích, phấn đấu đến ngày 15-2 sẽ cơ bản hoàn thành cấy lúa đông xuân.
Làm việc với Ban quản trị HTX Ngô Đồng (xã Gia Phú), chúng tôi được biết, trong tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch là 448 mẫu, thì nông dân đã cấy trên 200 mẫu, trong đó có 100 mẫu là diện tích ngoài đê. Do diện tích gieo cấy chủ yếu là ruộng bậc thang nên mạ cấy đều là mạ dược, các giống lúa lai được bà con xã viên đưa vào nhiều. HTX cũng đã quy hoạch vùng cấy lúa cao sản gần 100 mẫu ở những cánh đồng đất tốt, có hệ thống thủy lợi đảm bảo tốt cho tưới tiêu. Chị Đặng Thị Hiền (xóm Làng, thôn Ngô Đồng) cho biết: Gia đình chị cấy 9 sào lúa, trong đó chị đã mạnh dạn đưa vào 3 sào lúa cao sản. Chị hy vọng giống lúa này sẽ cho năng suất cao hơn những giống lúa lai ở các vụ trước.
Với tinh thần chỉ đạo tập trung, quyết liệt, sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện về đất, nước, phân bón, mạ... và tinh thần tích cực, khẩn trương xuống đồng của bà con nông dân, vụ sản xuất lúa đông xuân này không chỉ ở Nho Quan, Gia Viễn mà trên toàn tỉnh sẽ được thực hiện trong khung thời vụ tốt nhất, quyết tâm giành vụ đông xuân thắng lợi.
Thanh Thủy