Ngay từ đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân, những trận mưa các ngày 24, 25-5 làm nước lũ dâng nhanh ảnh hưởng đến diện tích lúa ven sông Bôi, sông Lạng. Đây là diện tích lúa ngoài đê và vùng ngập úng với khoảng 1.700 ha, trong đó vùng không có đê bao bảo vệ là 620 ha (chịu ảnh hưởng trực tiếp khi lũ về).
Trong ngày gặt lúa chạy lũ này, các lực lượng bộ đội, công an, thanh niên... cùng với 14 máy gặt di động của các địa phương khác được huy động về các xã Gia Tường, Gia Thủy... thu hoạch nhanh gọn nên đã hạn chế thiệt hại.
Thời điểm này trên các xứ đồng Sắt, xứ Năm Tấn của xã Văn Phong, không khí thu hoạch lúa diễn ra khẩn trương. Một là vì lúa đã chín vàng cần được thu hoạch, phần nữa là thời tiết nắng nóng nên nhà nhà đều huy động thêm nhân lực ra đồng từ rất sớm, gặt nhanh gọn để khi "tròn bóng nắng" có lúa hong phơi. Văn Phong cũng là địa phương có tốc độ thu hoạch khá nhanh.
Chỉ chừng 5 đến 7 ngày xuống đồng là thu hoạch hết diện tích lúa. Xứ đồng Năm Tấn được xem là vựa lúa của địa phương.
Nhiều năm trước, xứ đồng này từng được chọn là nơi cấy khảo nghiệm, hoặc mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao của huyện Nho Quan.
Sáng hôm nay, gia đình anh Hoàng Trung Thành, thôn Cầu Mơ (xã Văn Phong) huy động 6 nhân lực từ các xã bên về gặt "cuốn chiếu" hết ruộng hơn 9 sào.
Gia đình anh Thành cấy giống lúa Nàng xuân, vụ này cho năng suất khá hơn vụ trước, đây là giống lúa cho chất lượng gạo ngon, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, gạo thành phẩm bán được giá.
Trên xứ đồng Sắt của xã Văn Phong, có rất nhiều hộ xuống đồng thu hoạch lúa. Mới hơn 8 giờ sáng, với 5 nhân lực, gia đình bác Vũ Thị Toan đã gặt ngả hết diện tích.
Vừa bốc lúa lên bờ, bác Toan vui mừng chia sẻ: Dự định ban đầu mảnh ruộng 4 sào cấy mạ dược, nhưng đầu vụ thời tiết khắc nghiệt mạ chết gần một nửa, nên gia đình tôi quyết định gieo vãi hết diện tích cho thuận tiện chăm sóc, hạn chế sâu bệnh, chuột bọ... và sau này thu hoạch nhanh gọn. Với giống lúa Khang dân 18 gieo vãi thay thế, vụ này cho kết quả hơn mong đợi.
Trao đổi với lãnh đạo các xã Lạc Vân, Văn Phú, Thạch Bình..., chúng tôi nhận được thông tin khá giống nhau "về sự vượt khó ở vụ đông xuân này" là: Thời tiết ảnh hưởng đến cây mạ đã gieo, đến diện tích lúa đông xuân cấy sớm... làm xáo trộn cơ cấu giống, trà mùa vụ.
Tuy nhiên, các cấp ủy, chính quyền nơi đây bàn biện pháp tăng cường bảo vệ sản xuất, trước mắt chỉ đạo và đôn đốc nhân dân linh hoạt trong trà mùa vụ.
Ngay từ đầu vụ, theo kế hoạch là 100% diện tích cấy bằng mạ dược, song ảnh hưởng của thời tiết nên khoảng 15% ha mạ đã gieo bị chết rét.
Giải pháp tình huống được triển khai nhằm rút ngắn trà thời vụ bằng việc chuyển sang gieo mạ dày xúc khoảng 25% và gieo vãi khoảng 15% diện tích vụ đông xuân. Vì thế các địa phương nơi đây đảm bảo cấy đủ diện tích, trà mùa vụ theo kế hoạch.
Đồng chí Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan cho biết: Vụ lúa ngoài đê và trong đê của huyện năm nay khá tốt. Đây là niềm vui để bà con nông dân phấn khởi ra đồng thu hoạch nhanh gọn khi lúa chín rộ.
Tính đến chiều 19-6, các địa phương đã thu hoạch được 6.000 ha lúa. Với tốc độ gặt như hiện tại, chỉ khoảng 2 đến 4 ngày tới là thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa đông xuân (gần 7.600 ha).
Như vậy, diện tích lúa ngoài đê và trong đê năm nay ở Nho Quan đều cho thu hoạch trọn vẹn, năng suất ước 65 tạ/ha. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đang triển khai sản xuất vụ mùa, trong đó đã tiến hành cày gần 3.000 ha, gieo mạ trên 200 ha.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh