Thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, huyện Nho Quan đã và đang từng bước xã hội hóa nghề rừng, phát huy nguồn vốn, tạo việc làm cho người lao động đặc biệt là khu vực miền núi, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Từ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, của huyện trong việc xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân, tổ chức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, chính quyền các xã và nhân dân địa phương bước đầu đã nhận thức được lợi ích của việc trồng rừng và có những hành động hưởng ứng tích cực. Xã Xích Thổ là một trong những địa phương đã hoàn thành kế hoạch tỉnh giao về chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất với tổng diện tích 352 ha, trong đó riêng năm 2010 đã bàn giao 46,4 ha.
Trong số 221 hộ gia đình đã nhận rừng, gia đình ông Bùi Đình Cầu, thôn Hồng Sơn có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo. Năm 2006, sau khi được cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động và hỗ trợ về kỹ thuật, ông nhận chuyển đổi 10 ha rừng với loại cây trồng chủ yếu là keo tai tượng làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ ép. Do thường xuyên được bảo vệ, chăm sóc, tỉa thưa nên cây phát triển tốt, dự kiến thời gian tới rừng sẽ cho thu hoạch trị giá 160 triệu đồng/ha. Về lợi ích lâu dài của việc trồng rừng thì ông đã rõ nhưng trong khoảng vài năm tập trung chăm sóc rừng, ông băn khoăn làm thế nào để "lấy ngắn nuôi dài". Nhờ tư vấn, ông và nhiều hộ gia đình khác đã biết kết hợp với chăn nuôi, như nuôi ong, chăn bò, nuôi gà... Ngoài ra, ông còn phát triển chăn nuôi lợn, thu khoảng hơn 20 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình dần ổn định. Ông và nhiều hộ gia đình cho rằng ở địa phương mình thế mạnh lớn nhất chính là đất rừng, nếu không bám vào đó để phát triển kinh tế thì cũng khó tìm được ngành nghề nào để thoát nghèo.
Thực tế cho thấy những năm gần đây trên địa bàn huyện rừng trồng có tỷ lệ sống cao, nhiều nơi đạt trên 90%, chu kỳ cây trồng được rút ngắn từ 10 năm xuống còn 7 - 8 năm, nhiều hộ còn đầu tư trồng rừng thâm canh, chọn giống cây tốt, nên chất lượng trồng rừng ngày một nâng cao. Đặc biệt, nếu như trước đây hiệu quả kinh tế từ 1 ha rừng sản xuất khi khai thác chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng thì nay đã tăng lên hơn 100 triệu đồng (kể cả sản phẩm tỉa thưa). Nguyên nhân là do người dân đã thực hiện đúng hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tuân thủ nghiêm túc các phương án phòng, chống cháy rừng đã được xây dựng phù hợp đối với từng địa phương. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện cũng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng một vườn ươm có quy mô 1 ha để sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận. Toàn huyện đã chuyển đổi được gần 4.000 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, đạt 80% kế hoạch. Bên cạnh việc chuyển đổi, Nho Quan còn chỉ đạo các xã tích cực trồng mới và khoanh nuôi rừng tái sinh, đến nay toàn huyện đã trồng mới được trên 400 ha rừng, khoanh nuôi gần 3.000 ha rừng tái sinh.
Nhờ thay đổi nhận thức về việc bảo vệ, chăm sóc rừng và bước đầu được hưởng những lợi ích chính đáng từ công việc này người dân địa phương đã hạn chế đáng kể hiện tượng chặt phá rừng.
Duy Hiền