Kế hoạch diện tích các loại cây trồng cây vụ đông năm nay của Nho Quan là 2.642 ha, tăng hơn cùng kỳ năm trước. Các địa phương có diện tích cây vụ đông nhiều là Yên Quang 347 ha, Thạch Bình 256 ha, Kỳ Phú 236 ha, Phú Sơn 172 ha, Văn Phú 154 ha... Ngoài nhóm cây truyền thống, không kén chọn thời tiết, dễ canh tác, chăm sóc là cây ngô 800 ha, cây khoai lang 550 ha, các địa phương còn chú trọng đến nhóm cây có giá trị kinh tế cao: Khoai sọ 230 ha, ớt xuất khẩu 65 ha...
Xã Văn Phú là địa phương đứng trong "tốp 5" của huyện Nho Quan về diện tích gieo trồng cây vụ đông. Đồng chí Phạm Tiểu Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do nắng nóng, hạn kéo dài đầu vụ lúa mùa vừa qua đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và diện tích của địa phương. Vì thế, ngay từ giữa vụ lúa mùa, cấp ủy, chính quyền nơi đây bàn biện pháp tăng cường sản xuất cây vụ đông, nâng cao giá trị từ vụ đông để bù lại một phần giá trị vật chất mà vụ lúa mùa không như mong muốn.
Được biết, xã Văn Phú có chính sách khuyến khích và có biện pháp tăng diện tích cây vụ đông, phấn đấu diện tích đạt 165 ha, vượt gần 12 ha kế hoạch của Phòng Nông nghiệp & PTNN huyện giao. Ngoài cây ngô vẫn duy trì diện tích khoảng 50 ha, cây khoai lang 20 ha, các xã viên còn đẩy mạnh trồng khoảng 20 ha ớt xuất khẩu. Cây ớt cay xuất khẩu đã được trồng trên các xứ đồng của các thôn Lão Cầu, thôn Hiền Lương từ vài vụ qua.
Cùng với thổ nhưỡng và kinh nghiệm canh tác của nông dân nơi đây, giống ớt xuất khẩu đã mang lại giá trị 100 triệu đồng/1 ha (vụ đông năm 2014). Đến ngày 22-10, xã đã gieo trồng trên 80 ha cây vụ đông, bằng 50% diện tích kế hoạch. Cùng với đó, nông dân cũng tiến hành làm đất trồng ngô, trồng các loại rau phục vụ nhu cầu trong dịp giáp Tết.
Địa phương có phong trào sản xuất cây vụ đông lớn phải nói đến xã Phú Sơn. Cùng với các chủ trương, chính sách của cấp trên, Đảng ủy xã Phú Sơn có Nghị quyết số 05 về việc đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông. Hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ xã kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND xã là Phó ban thường trực.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Sơn cho biết: Truyền thống trồng cây vụ đông ở Phú Sơn đã hình thành từ hơn chục năm. Vì thế, ngay thời điểm đang thu hoạch lúa mùa, tinh thần sản xuất ở địa phương luôn được nêu cao với phương châm "sáng lúa, chiều đông". Các hộ gia đình thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, gặt đến đâu trồng ngay cây vụ đông đến đó. Đặc biệt chú trọng diện tích nằm trong vùng kế hoạch sản xuất cây vụ đông, vì tiến độ thời vụ ảnh hưởng đến năng suất.
Được biết, nông dân xã Phú Sơn gặt xong lúa mùa từ ngày 20-9, nên đến nay, nhiều diện tích cây đông đã che kín đất, xanh ngát cánh đồng. Toàn xã phấn đấu trồng 185 ha cây vụ đông, cao hơn kế hoạch dự kiến 12-15 ha. Ngoài các giống cây trồng truyền thống như khoai lang 82 ha, cây ngô 15 ha, nông dân trong xã mở rộng trồng 3 ha ớt cay xuất khẩu có bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Song song với việc xuống giống, các thôn có kế hoạch nạo vét thủy lợi nội đồng vùng sản xuất, nhằm phục vụ tiêu úng kịp thời đầu vụ, tưới hạn cuối vụ.
Cũng giống như các xã Văn Phú, Phú Sơn, thời điểm này các địa phương của huyện Nho Quan có kế hoạch sản xuất cây vụ đông đang nêu cao tinh thần đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông. Những cây ưa ấm như ngô, lạc và đậu tương được làm đất xuống giống trước. Các giống chịu lạnh và các loại rau đậu trồng kéo dài trong vụ. Trong điều kiện có thể, các xã viên, tổ đội sản xuất đều mở rộng thêm diện tích, chú trọng đến các cây có giá trị kinh tế đã được hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh