Đồng chí Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Vụ mùa năm nay, Nho Quan có kế hoạch gieo cấy trên 5.000 ha lúa. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các xã, HTX nông nghiệp chuyển đổi mạnh về cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và có 65% diện tích được gieo cấy ở trà mùa sớm, 35% diện tích là trà mùa trung, còn lại là trà mùa muộn.
Bước vào sản xuất vụ mùa, Phòng Kinh tế huyện chỉ đạo các HTX tăng nhanh diện tích lúa gieo thẳng, chủ động khâu tưới, tiêu nước, giảm bớt chi phí và công lao động. Toàn huyện có hơn 1.000 ha lúa gieo thẳng, tập trung ở một số xã như: Phú Sơn, Thạch Bình, Yên Quang, Lạng Phong, Văn Phong, Văn Phú…
Cũng trong vụ mùa này, huyện đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang gieo trồng các cây hoa màu khác, tập trung vào cây ngô, lạc, tổng diện tích chuyển đổi hơn 80 ha. Huyện chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp Cau bản địa với diện tích hơn 100 ha ở các xã Kỳ Phú, Cúc Phương, Văn Phú nhằm xây dựng thương hiệu lúa nếp Cau Thường Xung Nho Quan.
Trước thực tế một số bà con nông dân cho rằng cấy lúa mùa năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên có xu hướng bỏ ruộng, huyện chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất lúa mùa với diện tích 56 ha ở xã Thượng Hòa để khẳng định hiệu quả sản xuất lúa vụ mùa.
Cùng với gieo cấy lúa, trong vụ mùa này, Nho Quan còn chỉ đạo nhân dân gieo trồng hơn 2.000 ha cây hoa màu các loại, tập trung chủ yếu là ngô, lạc nhằm tăng giá trị trên mỗi ha canh tác. Đến ngày 15/7, toàn huyện đã cơ bản cấy xong lúa mùa theo kế hoạch, trồng được 1.900 ha cây màu các loại và đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc bảo vệ lúa và hoa màu vụ mùa.
Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã, HTX tiêu hết nước đệm, thực hiện tốt việc phòng, chống úng cho lúa. Phòng Kinh tế huyện chỉ đạo nhân dân điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, duy trì mực nước nông thường xuyên trong ruộng lúa giai đoạn từ sau cấy đến khi lúa đẻ đủ nhánh hữu hiệu để đảm bảo cho lúa đẻ nhánh tốt. Về kỹ thuật chăm bón, cán bộ các xã, HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân tổ chức chăm bón kịp thời, đảm bảo nguyên tắc bón phân sớm, bón tập trung, cân đối.
Tập trung bón thúc lần một cho những diện tích đã cấy được 7-10 ngày; bón cân đối giữa đạm, lân và ka li. Căn cứ vào diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp. Khuyến cáo các hộ nông dân tăng cường sử dụng phân hỗn hợp NPK; chỉ sử dụng các sản phẩm phân bón của các doanh nghiệp có uy tín, bảo đảm chất lượng như: NPK Lâm Thao, Văn Điển, Việt Nhật, Ninh Bình…
Để chủ động bảo vệ an toàn cho lúa mùa, cán bộ Phòng Kinh tế huyện phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc lúa mùa.
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại lúa, không để lây lan trên diện rộng. Huyện đã tiếp nhận 700kg thuốc diệt chuột vi sinh Cat 0,25WP cấp phát cho các xã, HTX.
Trước mắt, các địa phương đang tích cực phát động và tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công là chính, hạn chế sử dụng thuốc hóa học; tổ chức phun trừ sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích có mật độ sâu non trên 50 con/m2 bằng các loại thuốc đặc hiệu.
Trần Hoàng Hiệp