Theo đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, diện tích cây vụ đông tuy có giảm, nhưng một số loại cây trồng chính, diện tích nhiều (ngô, khoai tây, khoai sọ, bí xanh...) cho năng suất cao hơn vụ trước, cùng với đó lại được giá, nên tổng giá trị sản phẩm vụ đông năm 2015-2016 toàn huyện ước đạt 178.779 triệu đồng, tăng hơn vụ đông trước 17.879 triệu đồng; bình quân giá trị sản phẩm trên 1 ha cây vụ đông đạt 79,78 triệu đồng, tăng 18,18 triệu đồng so với vụ đông trước.
Trên địa bàn huyện, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đã được trồng thành vùng, diện tích lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa.
Vùng sản xuất ớt xuất khẩu, ngô ngọt, bí xanh ở xã Thạch Bình và Văn Phú; ngô ngọt ở xã Quỳnh Lưu và Xích Thổ; khoai sọ, lạc đông ở xã Yên Quang với giá trị mô hình ớt xuất khẩu đạt 120-130 triệu đồng/ha/vụ, ngô ngọt đạt 80-90 triệu đồng/ha/vụ; lạc đông và khoai sọ đạt 90-110 triệu đồng/ha/vụ.
Do được dự báo là vụ đông ấm, nên huyện đã chỉ đạo tăng diện tích cây ưa ấm trong cơ cấu sản xuất. Một số địa phương có điều kiện thuận lợi trong sản xuất vụ đông cho kết quả kinh tế cao do nhận thức và trình độ thâm canh của người nông dân đã được nâng lên.
Một số cá nhân và tổ chức tập thể mạnh dạn đưa các giống cây đông có giá trị vào sản xuất, theo hướng tập trung, diện tích lớn và sản xuất hàng hóa như: Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Lưu mượn đất trồng ngô ngọt, quy mô gần 10 ha; vùng trồng ớt xuất khẩu ở Văn Phú; vùng trồng khoai sọ ở Yên Quang.
Vụ đông năm 2016-2017 vẫn còn những khó khăn về thời tiết khí hậu, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm vụ đông ít và chưa chặt chẽ; lúa mùa 2016 lại thu hoạch chậm khoảng 10 ngày... nên huyện Nho Quan chủ trương không mở rộng diện tích cây trồng ưa ấm trên đất 2 lúa, nhất là ở các xã phía Nam; phát triển những cây trồng có giá trị và có hướng bền vững; tập trung cho cây trồng đã có truyền thống và chủ lực.
Theo kế hoạch, toàn huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 2.050 ha, trong đó: Ngô 672 ha, lạc 102 ha, đậu tương 20 ha, khoai lang 480 ha, khoai sọ 237 ha, ớt xuất khẩu 57 ha, bí xanh 25 ha, khoai tây 60 ha, rau các loại 379 ha. Đến hết tuần đầu tháng 10, toàn huyện đã làm 570 ha đất cho vụ đông và trồng được 180 ha cây đông các loại, trong đó: Ngô 110 ha, lạc 0,5 ha, khoai lang 25 ha, còn lại là rau đậu.
Đồng chí Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng cho biết một số giải pháp, biện pháp chính trong sản xuất vụ đông năm nay là: Các xã, thị trấn căn cứ vào kết quả sản xuất của vụ trước; điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, tập quán và truyền thống canh tác của địa phương để xây dựng quy hoạch, kế hoạch vùng sản xuất vụ đông đến từng thôn, đội, vùng, xứ đồng, loại cây trồng tập trung, thành vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa mùa và khâu làm đất nhằm giải phóng nhanh đất để có đủ nguồn quỹ đất trồng vụ cây đông theo kế hoạch.
Cây trồng ưa ấm (ngô, bí xanh, ớt...) kế hoạch trồng trên đất lúa có thể thực hiện giải pháp kỹ thuật bô cây trước và cố gắng trồng xong vào trung tuần tháng 10, riêng cây ngô đại trà giữ vững diện tích theo kế hoạch và được trồng chủ yếu trên đất màu, lúa mùa nhằm tăng sản lượng cung cấp thức ăn cho chăn nuôi gia súc vốn đang được phát triển nhanh, mạnh trên địa bàn.
Với cây ưa lạnh có thể trồng đến ngày 25-11 với các loại cây như khoai lang, khoai tây, khoai sọ, rau các loại; trong đó diện tích khoai tây đã có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích các nhóm hộ, tổ chức đoàn thể mượn đất hoặc thuế đất tổ chức sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng có bao tiêu sản phẩm, hoặc liên kết bao tiêu sản phẩm như: Ngô ngọt, bí xanh, ớt, khoai sọ, cà chua nhót.
Trường Sinh