P.V:Xin đồng chí cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác PCTT - TKCN nói chung, phòng chống lụt bão nói riêng của huyện?
Đ/c Trịnh Đức Hưng: Năm 2018, trên địa bàn huyện Nho Quan chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão (Cơn bão số 3; cơn bão số 4) và hoàn lưu của 2 vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 5 và cơn bão số 6.
UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã ban hành kịp thời các Công điện để chỉ đạo ứng phó với thiên tai; trong đó có 2 Công điện chỉ đạo PCCC rừng, 9 Công điện chỉ đạo ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; 3 Công văn ứng phó với rét đậm, rét hại, nắng nóng và các văn bản chỉ đạo khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống dân sinh. Báo cáo nhanh tình hình, báo cáo kịp thời thiệt hại và đề xuất hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Có thể thấy, thiên tai xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Để chủ động PCTT &TKCN, huyện Nho Quan đã phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, lực lượng Công an, Quân sự huyện, và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành sâu sát, kịp thời, linh hoạt nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện luôn nêu cao trách nhiệm, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến khí hậu, thủy văn; tích cực tham mưu về công tác chỉ đạo; thông tin kịp thời về diễn biến của thời tiết trên Trang thông tin điện tử huyện; tăng cường và chủ động kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn để chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Chỉ huy các đơn vị và lực lượng hiệp đồng tích cực và trách nhiệm trong công tác phối hợp, hỗ trợ cùng với các địa phương phòng chống thiên tai, hỗ trợ ứng phó, cứu hộ...Các địa phương đã thực hiện tốt chế độ trực, chỉ huy, điều hành trong ứng phó phòng, chống thiên tai.
Mặc dù vậy, công tác PCTT &TKCN của huyện vẫn còn một số tồn tại hạn chế như Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ở một số xã, một số ngành và một bộ phận nhân dân nhận thức về công tác PCTT, tự ứng cứu còn hạn chế, chủ quan. Trong xử lý sự cố, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, chỉ đạo khôi phục sản xuất... ở một số địa phương thiếu sâu sát, trách nhiệm chưa cao. Chế độ thường trực của một số thành viên các Phân ban chưa đảm bảo, chủ yếu chỉ có Trưởng, Phó các Phân ban.
Bên cạnh đó, một số công trình hiện đang bị hư hại, cụ thể như sau: Đê Đức Long, đoạn cuối tuyến (khu vực hang Ma) bị thấm, rò nước, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nếu không được xử lý gia cố kịp thời; đồng thời theo dõi đoạn hang Chuộn vì sau khi thi công chưa qua thử thách. Sạt lở, rạn nứt tuyến đê mùa Bốn Hốt chiều dài 2km. Đê bao sông Bến Đang bị sạt lở nhiều đoạn không đảm bảo an toàn chống lũ. 10 trạm bơm, 17 cống bị hư hỏng; 08 hồ hư hỏng sạt lở thân đập; 20 tuyến kênh tưới cần nạo vét, sửa chữa khối lượng: 7.14.6m3.
P.V: Công tác chỉ đạo của huyện về phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ tại địa phương đã được triển khai thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Trịnh Đức Hưng: Là huyện thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, do vậy, công tác PCTT&TKCN luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện. Trước mùa mưa bão huyện thành lập các đoàn do các đồng chí lãnh đạo huyện thường xuyên kiểm tra các công trình phòng, chống lụt bão để phát hiện sự cố, có phương án xử lý kịp thời.
Hàng năm, UBND huyện tổ chức kiện toàn, thành lập Ban chỉ huy, các phân ban PCTT&TKCN, giao quản lý bảo vệ các công trình cho UBND các xã. Phân công cụ thể rõ nhiệm vụ, phụ trách từng địa bàn cho các thành viên của Ban Chỉ huy để chỉ đạo, điều hành xây dựng và phê duyệt phương án PCTT&TKCN.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã ban hành các công điện và các văn bản khác chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các xã, thị trấn tổ chức tốt việc thực hiện các phương án PCTT&TKCN, sẵn sàng phòng, ứng phó với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu của bão ảnh hưởng vào địa bàn; triển khai các phương án: phương án PCTT&TKCN; phương án bảo vệ trọng điểm; phương án xả lũ tràn Đức Long, Gia Tường; phương án di dân và đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân; phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa; phương án chống hạn; phương án PCCC rừng; phương án hiệp đồng với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Giao chỉ tiêu "4 tại chỗ" cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
P.V: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra, năm 2019 huyện đã có những giải pháp cụ thể gì?
Đ/c Trịnh Đức Hưng: Năm 2019, theo dự báo tình hình thời tiết khí hậu thủy văn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường do chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Cần chủ động đề phòng mưa úng cục bộ, bão mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lũ cao trên các triền sông; hạn hán, dông lốc, nắng nóng, gió mùa...
Để chủ động trong thực hiện phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình, nhà cửa, kho tàng, công trình công cộng để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng. Rà soát các phương án ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là bão mạnh và siêu bão.
Huyện đang khẩn trương tập trung đẩy mạnh công tác tu bổ đê, kè, cống, hồ đập. Tổ chức huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát lũ nội đồng. Đồng thời kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình kênh mương, các trạm bơm, các công trình phục vụ phòng chống lũ, ngập lụt.
Đối với các công trình đang bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa phải huy động nguồn lực tại chỗ để xử lý, khắc phục đảm bảo an toàn và vận hành khi có mưa, lũ, lụt xảy ra. Rà soát, hoàn thiện phương án bảo vệ nhà cửa, công trình công cộng, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân; phương án sơ tán dân, phương án đảm bảo an toàn giao thông; phương án khắc phục hậu quả.
Đối với công tác phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, huyện đã xây dựng kế hoạch phòng tránh lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn bản theo phương châm "4 tại chỗ" để cán bộ, nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh. Trong kế hoạch phải phân loại và thống kê cụ thể số hộ, số khẩu sống trong khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để tiến hành di dời ngay khi có dự báo mưa, lũ bão...; các hộ trước hết phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để sơ tán ngay khi có thiên tai xảy ra.
Chỉ đạo triển khai việc cắm biển báo nguy hiểm ở khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, đuối nước, cháy nổ và các loại hình tai nạn khác để nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh; bố trí lực lượng hướng dẫn nhân dân phòng tránh.
Đặc biệt chú trọng phương án sơ tán nhân dân, phương án đảm bảo thông tin, liên lạc, hệ thống đường dây điện, đảm bảo an ninh, trật tự, giao thông khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ trên địa bàn huyện; tổ chức huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Các Phân ban hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị và trực tiếp chỉ đạo và thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của các xã, thị trấn trong Phân ban phụ trách và chịu trách nhiệm về công tác PCTT& TKCN trên địa bàn phụ trách.
Tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi phục vụ phòng chống thiên tai, phát hiện những hư hỏng sự cố để kịp thời khắc phục; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bảo vệ an toàn các công trình.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, diễn biến khí tượng thủy văn để có phương án chủ động ứng phó; huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân ngay sau khi thiên tai xảy ra trên địa bàn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)