Những ngày vừa qua, mặc dù thời tiết mưa, rét nhưng các cán bộ thú y ở huyện Nho Quan và cán bộ thú y các xã đang được điều động xuống cơ sở, đến tận các hộ gia đình chăn nuôi để thống kê, rà soát lại toàn bộ số gia cầm hiện có, đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Gia đình anh Vũ Văn Cảnh, thôn Công Luận, xã Gia Tường đang nuôi hơn 1 nghìn con vịt. Mặc dù trên địa bàn xã chưa xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng anh cũng như nhiều hộ chăn nuôi ở Gia Tường rất lo lắng. Anh Cảnh cho biết: Với kinh nghiệm nuôi vịt hơn chục năm nay thì những thời điểm mưa phùn, lạnh như hiện nay vịt rất dễ mắc bệnh. Được sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã, anh đã chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật: thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; đảm bảo mật độ nuôi hợp lý; bổ sung các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa; định kỳ phun thuốc khử độc, tiêu trùng; trời mưa rét tuyệt đối không để vịt ngoài đồng mà phải lùa về chuồng và đặc biệt khi nhập đàn về thì báo cáo với cán bộ thú y xã để đăng ký vắc xin, vịt nhập được 1 tuần thì tiêm vắc xin phòng dịch tả, sau 2 tuần thì tiêm vắc xin H5N1.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tường cho biết: Những năm gần đây, Gia Tường có ngành chăn nuôi, trong đó chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh. Hiện nay, toàn xã có gần 20 hộ nuôi vịt với số lượng trên 13 nghìn con. Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với thú y huyện chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ, kịp thời trong phòng, chống dịch. Cụ thể: Thực hiện cấp sổ chăn nuôi cho các hộ gia đình để kiểm soát tốt việc xuất, nhập đàn; phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn, đồng thời tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới nhập.
Thời tiết chuyển mùa, mưa phùn kết hợp với rét đậm, rét hại kéo dài, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm, long móng ở gia súc có khả năng phát sinh, lây lan rất cao. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngay từ đầu năm 2014, huyện Nho Quan tăng cường chỉ đạo chính quyền cơ sở, giao trách nhiệm cho trưởng thú y xã, các tổ chức đoàn thể kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh phát sinh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý.
Ông Trương Đức Nghĩa, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Nho Quan cho biết: Trạm đã cấp phát 800 lít hóa chất từ nguồn hỗ trợ phòng, chống dịch của tỉnh và hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng làm sạch môi trường, khu vực giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm. Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, từ vùng an toàn dịch; cải tạo chuồng nuôi đảm bảo khô ráo, sạch sẽ; tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; khi thời tiết rét đậm, rét hại tiến hành chăm sóc nuôi dưỡng quây nhốt, tuyệt đối không thả rông ngoài đồng.
Trong tháng 1 năm 2014, toàn huyện đã tiêm phòng bổ sung cho trên 77 nghìn lượt gia cầm, trong đó đàn gà gần 12 nghìn lượt con và đàn vịt trên 65 nghìn lượt con. Hiện nay, Trạm thú y huyện cùng với các xã, thị trấn đang tổ chức điều tra, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có và chuẩn bị các điều kiện để triển khai tốt các đợt tiêm vắc xin vụ xuân hè. Ngoài ra, Trạm tiếp tục phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền thường xuyên, liên tục và sâu rộng cho nhân dân về tác hại, sự nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thông báo công khai cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển và phòng, chống dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đức Nghĩa thì điều quan trọng nhất chính là sự chủ động, ý thức của người chăn nuôi, có như vậy thì công tác phòng, chống dịch bệnh mới thực sự có hiệu quả, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu dịch bệnh xảy ra.
Bài, ảnh: Hà Phương