Gia đình ông Đỗ Văn Vinh, thôn Kiến Phong, xã Gia Tường (Nho Quan) đã nuôi vịt từ nhiều năm nay, vừa qua ông mới đầu tư mua thêm gần 1 nghìn con vịt để đón vụ lúa mới. Ông Vinh cho biết: Trong chăn nuôi gia cầm không thể nói mạnh được, do đó, không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ chọn con giống đến phương thức chăn nuôi và vệ sinh chuồng trại, công tác phòng dịch cũng cần phải được coi trọng.Từ đó, ông thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, đài, qua đài truyền thanh ba cấp của xã để nắm bắt, theo dõi, sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch. Sau khi nghe thông tin dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố, gia đình ông đã chủ động tích trữ các loại thuốc phòng, trị bệnh, đặc biệt là vôi bột, thuốc sát trùng để thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh; tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin thông thường như dịch tả, tụ huyết trùng…; nhờ đó, đàn vịt của gia đình vẫn an toàn. Ông Vinh phấn khởi cho biết, chỉ hai tháng nữa là đàn vịt của gia đình được xuất bán, có thể thu về hàng trăm triệu đồng…
Theo ông Đỗ Văn Thành, trưởng thôn Kiến Phong, xã Gia Tường thì Kiến Phong là thôn có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia cầm như vịt, ngan nên nhiều hộ gia đình đã coi đây là nghề chính để đầu tư phát triển. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện Nho Quan, Chi cục Thú y tỉnh, thôn Kiến Phong đã tăng cường công tác tuyên truyền trên loa phát thanh, thông báo đến các gia đình chăn nuôi, chú trọng những gia đình mới nuôi, gây thêm đàn để có kế hoạch kiểm soát và tiến hành tiêm phòng; đồng thời hướng dẫn nhân dân khi phát hiện dịch bệnh thông báo kịp thời với cán bộ thôn hoặc cán bộ thú y để có phương hướng và biện pháp xử lý kịp thời…
Ông Phạm Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Đức Long cho biết: Hiện xã có trên 30 nghìn con gia cầm các loại. Là một xã có ổ dịch cũ nên nguy cơ bùng phát dịch khá cao, do đó công tác phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu. Xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống cúm gia cầm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đàn gia cầm đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi; đồng thời phối hợp với cán bộ thú y tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh; vận động người dân nuôi nhốt và tiêm phòng các loại vắc xin cho gia cầm. Ngoài ra, để hạn chế mầm bệnh lây lan từ việc nhập con giống, cán bộ thú y chủ động khuyến cáo các chủ hộ mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, không mua con giống trôi nổi, dẫn tới khó kiểm soát dịch.
Được biết, huyện Nho Quan hiện có khoảng 600 nghìn con gia cầm, tập trung ở các xã: Gia Thủy, Gia Tường, Đức Long… Vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, người chăn nuôi trên địa bàn thường gây thêm đàn vịt để đón vụ lúa mới, từ đó số lượng đàn gia cầm tăng đột biến, kéo theo nguy cơ xuất hiện, lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình đó, huyện Nho Quan tăng cường quản lý đàn vịt nhập mới bằng các biện pháp cụ thể, như chỉ đạo các xã quản lý chặt nguồn gốc con giống nhập đàn, đẩy mạnh công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại… Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến hộ chăn nuôi để bà con thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan thú y về bảo vệ đàn gia cầm; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, nếu có dấu hiệu bất thường trên vật nuôi phải báo ngay cho cán bộ cơ sở hoặc thú y viên để có biện pháp đối phó, kịp thời bao vây dịch, không để lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, góp phần bảo vệ sức khỏe con người.
Bài, ảnh: Kiều Ân