Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống, chữa cháy rừng.
Ông Trần Viết Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nho Quan cho biết: Hiện nay, huyện Nho Quan có tổng diện tích đất lâm nghiệp 17.297,1 ha, trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 11.349,5 ha; rừng phòng hộ là 3.106.9 ha; rừng sản xuất là 2.840,7 ha. Theo thống kê từ năm 2006 đến tháng 3-2012, số vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Nho Quan là 11 vụ, tổng diện tích thiệt hại là 7,5 ha, trong đó năm 2006 xảy ra 4 vụ, diện tích thiệt hại 1,91 ha; năm 2007 xảy ra 3 vụ, diện tích thiệt hại 2,5 ha; năm 2010 xảy ra 1 vụ, diện tích thiệt hại 0,2 ha; năm 2011 xảy ra 3 vụ cháy rừng núi đá, diện tích thiệt hại 2,9 ha; năm 2012 tính đến hết ngày 31-3 chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra và không để cháy rừng xảy ra trên địa bàn, huyện Nho Quan đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2012-2015.
Huyện đã xác định 4 trọng điểm có thể xảy ra cháy cần triển khai đồng bộ các giải pháp ở các khu vực: Khu đồi Thông 3 ngả, thuộc các xã Quảng Lạc, Quỳnh Lưu và Phú Long, chủ yếu là rừng trồng Thông nhựa; vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương gồm các xã Kỳ Phú, Phú Long, chủ yếu là rừng khoanh nuôi núi đá; rừng trồng Thông nhựa, khu vực Hồ Đồng Chương, thuộc các xã Phú Lộc, Kỳ Phú; vùng giáp ranh với các xã của huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), gồm các xã Thạch Bình, Xích Thổ, chủ yếu là rừng trồng Thông nhựa lớn, rừng Giẻ tái sinh và rừng khoanh nuôi tái sinh trên núi đá.
Trên cơ sở đó, huyện đã chỉ đạo các đơn vị có rừng chủ động xây dựng phương án và kịp thời đề ra được các biện pháp an toàn phòng, chống, chữa cháy rừng trên cơ sở sử dụng tối đa và phát huy thế mạnh của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ". Nâng cao năng lực chỉ huy phòng, chống, chữa cháy rừng các cấp, củng cố mạng lưới thông tin báo cháy rừng, đẩy mạnh công tác kiểm tra phòng, chống, chữa cháy rừng, thực hiện nghiêm túc chế độ trực cháy rừng.
Trong những ngày dự báo cấp cháy rừng cấp III, lực lượng thường trực đảm bảo 80% quân số, dự báo cháy rừng cấp IV, V trở lên, lực lượng thường trực đảm bảo 100% quân số. Tổ chức trực ban theo dõi dự báo cháy rừng từ huyện đến xã, chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa, ngày, giờ cao điểm. Quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động nương rẫy ở các xã, quản lý và hạn chế số lượng người ra vào rừng trong những ngày nắng nóng có cấp dự báo cháy rừng từ cấp 4 trở lên. Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng phải luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra việc triển khai phương án phòng, chống cháy rừng tại các xã vùng cao có nhiều diện tích trồng rừng, đặc biệt là các trọng điểm có thể xảy ra cháy rừng, kiểm tra công tác chuẩn bị, đảm bảo đầy đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần phục vụ nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời qua các đợt kiểm tra gắn với việc tuyên truyền để người dân và chủ rừng hiểu được quyền lợi, trách nhiệm trong việc phòng, chống cháy rừng, góp phần nâng cao thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ tài sản của Quốc gia.
Hồng Giang