Gần 10 năm trước đây, dù sở hữu tới hàng nghìn ha rừng, song Thạch Bình vẫn là xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã có thời điểm lên tới trên 40%. Nhưng giờ Thạch Bình thay đổi nhiều lắm. Sự đổi thay ngỡ như mơ. Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo của xã giờ đã giảm xuống còn 14%. Có được kết quả đó là nhờ tỉnh có chủ trương cho địa phương chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Theo mục tiêu, trong tổng số 924 ha rừng, sẽ chuyển 888 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Đến nay, xã đã chuyển đổi được 555 ha rừng có 172 hộ gia đình nhận chăm sóc, bảo vệ rừng.
Hiệu quả từ việc chuyển đổi rừng đã thấy rõ. Người dân được trao quyền tự chủ trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác các sản phẩm từ rừng. Từ đây, các hộ trồng rừng còn năng động kết hợp trồng rừng với chăn thả gia súc như trâu, bò và ong mật. Thu nhập tăng dần và ổn định, đến nay, trên 90% số hộ này đã thoát nghèo, trong đó, hơn 20% số hộ có rừng đã trở thành hộ khá, giàu của xã.
Để "mục sở thị" sự thay đổi của Thạch Bình, đồng chí Vũ Dũng, Trưởng công an xã đưa chúng tôi về thôn Bái Lóng, thăm gia đình anh thương binh Quách Văn Thông - một hộ nghèo có… thâm niên của xã. Trước đây, có lần tôi cùng đoàn công tác của tỉnh đến tặng quà gia đình anh trong ngôi nhà sập sệ không đủ che mưa, che nắng. Vui vẻ pha trà mời khách, vợ anh Thông tâm sự: "Nhờ có chủ trương chuyển đổi rừng mà gia đình tôi đã thoát nghèo". Gia đình chị được giao 2 ha rừng. Thu nhập một năm từ củi, tỉa thưa để bán cây cũng được 20 triệu đồng/ha. Diện tích rừng gia đình tôi được giao, chỉ hết năm nay là được thu hoạch lứa đầu tiên, ước tính được gần 200 triệu đồng. "Vợ chồng tôi mới xây lại nhà vào năm ngoái. Thu nhập từ rừng đủ để lo cho con cái học hành và tiếp tục phát triển kinh tế. ở thôn, bây giờ có nhiều nhà khá giả lắm. Có nhà còn sắm được cả ô tô để chở sản phẩm từ rừng đi bán..." chị vợ anh Thông cho biết: Nhờ giao rừng cho dân, tỷ lệ hộ nghèo của thôn Bái Lóng đã giảm từ 83% (giai đoạn 2005-2008), xuống còn trên 23% năm 2013. Hiện, có đến 99% gia đình được giao rừng xây được nhà kiên cố, 88% gia đình mua được xe máy... Bà con còn đi học tập kinh nghiệm một số mô hình phát triển kinh tế rừng của đồng bào xã Cúc Phương, đặc biệt, là việc đưa về nuôi các con đặc sản như: hươu, nhím... bước đầu cho thu nhập cao.
Cúc Phương cũng là một xã nghèo, nay phát triển khá mạnh kinh tế rừng. Thời gian qua, phong trào nuôi các con đặc sản như: hươu, ong, nhím, dê... được chính quyền địa phương và đồng bào Mường đặc biệt quan tâm. Hiện, xã có hàng trăm hộ nuôi hươu lấy nhung, hàng trăm hộ nuôi nhím và hàng nghìn con dê. Theo một số gia đình nuôi nhím cho biết, nuôi nhím rất dễ "đổi đời". Một số thôn như: Sấm 2, Sấm 3... trước kia vốn nghèo nhất xã, nay mỗi gia đình cũng thu nhập khoảng 30-35 triệu đồng/năm từ nhím. Không ít hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ tiền bán nhím giống, dê và ong… Không chỉ chăn nuôi con đặc sản, xã Cúc Phương còn khuyến khích bà con phát huy thế mạnh đồi rừng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông như trước đây, Cúc Phương đã vận động, hướng dẫn bà con chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Đến nay, tổng số đàn trâu, bò, dê của xã đạt trên 2.000 con, gần 1.000 con lợn và trên 10.000 con gia cầm. Từ năm 2004 đến nay, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho bà con vay vốn với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Qua khảo sát, bà con đều sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
Không có rừng như Thạch Bình, Cúc Phương, một số xã vùng chiêm trũng như: Gia Tường, Gia Thủy, Quỳnh Lưu... đã có hướng đi khác. Các xã vùng chiêm trũng năm nào cũng bị ngập úng. Do đó, thu nhập từ nông nghiệp chẳng đáng là bao, nhiều năm bà con bị mất trắng. Từ thực tế này, huyện đã tiến hành khảo sát và quyết định chuyển đổi phương thức sản xuất theo công thức lúa+cá hoặc lúa+một vụ lúa tái sinh. Huyện cũng tập trung chỉ đạo chuyển một số diện tích vùng trũng sang nuôi cá tập trung, mở rộng diện tích lúa tái sinh ở các xã Thượng Hòa, Thanh Lạc, Sơn Thành, Văn Phú..... với diện tích hơn 1.000 ha, chuyển đổi 2.759 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu kinh tế cao (mía, dứa, sắn....). Đồng thời, đưa giống lúa cao sản vào sản xuất. Các giống lúa Phú ưu 978, Phú ưu 1, Thục hưng 6, Bắc thơm 7...cho năng suất trung bình khoảng 60 tạ/ha, nhiều nơi năng suất còn đạt 75-80 tạ/ha/vụ. Việc đưa giống lúa cao sản vào sản xuất không những giúp địa phương đảm bảo được vấn đề lương thực mà còn có thóc dư để bán...
Có thể khẳng định, cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội; nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, lao động nghèo… thì những bước đi sáng tạo, linh hoạt biến những khó khăn trở thành thuận lợi của huyện Nho Quan trong thời gian qua đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Đến năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 9,77. Và theo kết quả điều tra sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2013 đã giảm xuống còn 8,09%, hộ cận nghèo còn 6,68% (theo tiêu chí mới).
Nguyễn Hùng