Kinh nghiệm từ vụ rét lịch sử 2008
Nho Quan là huyện miền núi, nền nhiệt độ trung bình thấp nên đợt rét lịch sử tháng 2-2008 đi qua để lại hậu quả nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp của huyện, đặc biệt là chăn nuôi với hàng trăm con gia súc bị chết rét.
Nhờ lợi thế sẵn có về đồng cỏ, phụ phẩm dư thừa trong nông nghiệp, lao động dồi dào, nên những năm gần đây chăn nuôi ở Nho Quan đã có sự phát triển đáng kể. Nhiều hộ nông dân nhờ chăn nuôi đã thoát nghèo và trở nên khấm khá. Tuy nhiên trên thực tế, huyện vẫn chưa hình thành vùng sản xuất tập trung mà chỉ dừng lại ở phương thức tự phát, nhỏ lẻ nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi ít được chú trọng. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc gia súc chết hàng loạt khi gặp dịch bệnh hay thời tiết khắc nghiệt.
Thiệt hại từ vụ rét năm 2008 là một bài học đắt giá cho người chăn nuôi. Tập quán thả rông, không có chuồng nuôi đảm bảo yêu cầu, gia súc không có thức ăn dự trữ và không được bổ sung thức ăn tinh trong những ngày giá lạnh để tăng sức đề kháng. Cộng thêm với việc người dân chủ quan, không quan tâm đến việc phòng, chống rét nên khi rét đậm, rét hại kéo dài xảy ra họ đã không kịp xoay xở, đành bất lực nhìn đàn gia súc vừa phải chịu đói, vừa chịu rét, kiệt sức chết dần.
Anh Vũ Mạnh Cường, thôn 1, xã Phú Sơn tâm sự: Năm ngoái nhà anh có một con bò mẹ đang chuẩn bị đẻ nhưng do gia đình chủ quan không nghĩ một con vật to khỏe như thế có thể bị chết vì rét nên không quan tâm che chắn chuồng trại cũng như bổ sung thức ăn. Kết quả là bò chết, mất hết vốn liếng, gia đình anh không còn khả năng nuôi mới nữa.
Chuyển biến trong nhận thức
Trở lại Nho Quan vào những ngày đầu năm này, mặc dù trời không rét như năm trước nhưng nhìn quanh các cánh đồng, từng đàn gia súc đã được khoác trên mình những tấm áo bằng bao bì, chăn hỏng... do người dân tự làm, nhận thấy đã có một sự chuyển biến rõ nét trong việc chăm sóc, bảo vệ vật nuôi của người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Đệ, thôn 2, Phú Sơn tâm sự: "Con trâu là đầu cơ nghiệp nên gia đình tôi phải chăm sóc cẩn thận, rút kinh nghiệm từ trận rét năm ngoái làm chết 1 con nghé, năm nay ngay từ đầu mùa rét nhà tôi đã làm lại chuồng thật kín gió, lợp tấm lợp xi măng cẩn thận". Bà Đệ quan niệm: "Mình không chịu rét được sao bắt con trâu phải chịu rét".
Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Vừa qua huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho khoảng 700 hộ nông dân về biện pháp phòng, chống rét cho trâu bò. Đặc biệt quan tâm đến các xã vùng cao như: Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương, Thạch Bình và những xã vừa qua bị ảnh hưởng của lũ lụt. Cử cán bộ đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch cũng như bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong mùa rét.
Thường xuyên tuyên truyền trên đài truyền thanh ba cấp. Hướng dẫn bà con che chắn, giữ ấm chuồng trại, kiên quyết chấm dứt tình trạng thả rông trâu bò, cột gia súc ngoài trời qua đêm, không bắt trâu, bò làm việc trong những ngày nhiệt độ dưới 120C; chuẩn bị đầy đủ vật liệu làm áo khoác cho trâu bò, rơm rạ khô để rải nền chuồng, trấu, củi để sưởi giữ ấm cho gia súc khi cần thiết.
Khẩn trương chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ, tận dụng rơm rạ, cây ngô, cắt cỏ ngoài tự nhiên để phơi khô hoặc ủ chua, bổ sung thêm thức ăn tinh như ngô, sắn, muối, các chất khoáng để tăng sức đề kháng cho trâu, bò trong những ngày giá rét.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã hoàn thành việc tiêm phòng đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời tiêm phòng nhắc lại, tiêm bổ sung những nơi có nguy cơ mắc dịch bệnh cao. Việc phun thuốc khử trùng, tiêu độc cũng được tiến hành khẩn trương, với 1.440 lít hóa chất đã được cấp về cho 27/27 xã.
Vẫn còn những nguy cơ
Việc dự trữ thức ăn khô, bổ sung thức ăn tinh cho trâu bò để tăng sức đề kháng hầu như người dân nào cũng biết nhưng để thực hiện nó thì không phải ai cũng làm được. Bà Bùi Thị Múi, thôn Hiền Quan, xã Lạc Vân cho biết: Đợt lũ vừa qua làm nhiều nhà bị ngập sâu, thóc còn không chạy kịp thì nói gì đến rơm rạ cho trâu, bò. Cỏ ngoài đồng mùa này cũng không mọc được. Nhà tôi chắc chỉ đến ra Giêng là hết rơm. Bà cũng cho biết, có được ít ngô, cám thì để dành nuôi lợn, còn đàn trâu, bò thả ra đồng, ăn được gì thì ăn, tối về cho ăn thêm ít rơm là may rồi. Đây có thể nói là tình trạng chung của nhiều hộ chăn nuôi ở Nho Quan.
Tuy nhiên, Có một biện pháp chăm sóc đơn giản, không hề tốn kém mà rất hiệu quả mà không phải người chăn nuôi nào cũng biết là nên cho trâu, bò uống nước ấm có pha thêm muối nồng độ 1% hay bổ sung đạm vào trong rơm rạ cho trâu, bò ăn, ủ chua thức ăn… nên rất cần được các cán bộ thú y cơ sở tuyên truyền đến người chăn nuôi.
Để tránh lặp lại những thiệt hại không đáng có, đòi hỏi bà con nông dân cần nâng cao nhận thức, chủ động đối phó với những thất thường của thiên tai bên cạnh đó là sự chỉ đạo kịp thời của ngành Nông nghiệp, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chăn nuôi trong mùa rét năm nay.
Nguyễn Lựu