Phong trào đã thực sự đi vào chiều sâu với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Hiệu quả của phong trào không chỉ là tạo được lối sống văn hóa cho nhân dân, các cơ quan, đơn vị, trường học mà còn góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXĐSVH tỉnh đã xây dựng kế hoạch tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: hướng dẫn các đơn vị trong tỉnh về tiêu chuẩn khen thưởng trong phong trào; triển khai các văn bản của Ban chỉ đạo Trung ương, kiểm tra, thẩm định và công nhận các danh hiệu văn hóa; tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ đánh giá, định hướng xây dựng, phát triển phong trào; in ấn và cung cấp cho Ban chỉ đạo các cấp trong tỉnh các biển mẫu, bảng chấm điểm gia đình văn hóa (GĐVH), làng, bản, phố văn hóa; in ấn các tài liệu tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm và các điển hình tiên tiến trong phong trào phát hành đến các cơ sở trong tỉnh. Các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh đã có những cách làm sáng tạo trong việc lồng ghép tổ chức có hiệu quả nhiều phong trào để thực hiện tốt phong trào TDĐKXĐSVH.
Phong trào TDĐKXĐSVH đã tạo nên nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp, thắt chặt tình đoàn kết xóm giềng "tối lửa tắt đèn có nhau", cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn phát triển và vận động nhau thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong các hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thúc đẩy xây dựng cuộc sống yên vui, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.400 tổ hòa giải ở các xóm, phố được thành lập, hoạt động thường xuyên, phát huy vai trò tự quản ở cộng đồng, đã thúc đẩy phong trào "Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc". Các mô hình tự quản ở cộng đồng có vai trò tích cực trong việc kiểm soát, phát hiện và đấu tranh, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra khỏi cộng đồng; 100% số xóm, thôn, bản, tổ dân phố, khu phố đã có hương ước, quy ước nếp sống văn hóa; 100% số trường học xây dựng phong trào "Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm"; đã có 201.344/245.761 GĐVH; 1.069/1.669 làng, khu phố văn hóa; 517/734 đơn vị văn hóa…
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 674 câu lạc bộ các loại hình thể dục thể thao, 146/146 xã, phường, thị trấn thực hiện việc quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT phổ thông, điểm vui chơi cho trẻ em gắn với xây dựng nhà văn hóa với tổng diện tích 185.094 ha; 81 xã, phường, thị trấn và trên 60% số làng, bản, xóm, phố đã có sân bãi thể thao. Số người tập thể dục thường xuyên đạt tỷ lệ 25% so với tổng số dân. 91,4% số trường học trong tỉnh duy trì nền nếp chương trình giáo dục thể chất. 95% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể chất. Số gia đình thể thao chiếm tỷ lệ 19% trên tổng số hộ.
Các đơn vị đã gắn kết thực hiện phong trào với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc; thực hiện quy chế dân chủ, ý thức đạo đức kỷ luật, hợp tác, giúp đỡ nhau làm việc với năng suất cao, góp phần đoàn kết nội bộ, đấu tranh chống lãng phí, quan liêu, tham nhũng, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động và sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 70,4% cơ quan, đơn vị văn hóa.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đặt ra mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào. Đặc biệt quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng làng, phố văn hóa, các đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa; góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 80-85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn GĐVH; 63% số thôn, bản, 70% phố, 80% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa; có 20 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số làng, bản, xóm, phố có nhà văn hóa...
Hồng Vân