Ngày hội thơ năm nay Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức đã thu hút đông đảo các hội viên bộ môn thơ của Hội VHNT và hội viên của CLB thơ ngành Giáo dục - đào tạo.
Trong không khí của những ngày đầu xuân, người yêu thơ trong tỉnh lại hội tụ đông đủ về đây để minh chứng cho về sự cuốn hút của thi ca. Điều đó cũng khẳng định rằng thơ vẫn là nơi trải lòng, có khả năng thanh lọc tâm hồn con người sau những mệt mỏi, căng thẳng của cuộc sống hiện đại. Nhất là trong nhà trường, nó giúp các em học sinh và thầy, cô giáo có thêm niềm vui mỗi ngày đến trường.
Ngày thơ đã diễn ra trong bầu không khí đầm ấm, ai cũng có cảm xúc bồi hồi xúc động khi được đọc lên những bài thơ tâm huyết của mình và cảm thấy mình cũng có một phần đóng góp trên chặng đường phát triển của văn học tỉnh nhà.
Cô giáo Nguyễn Diệu Thắng (Trung tâm GDTX Yên Mô) xúc động nói: Là một giáo viên văn, tôi luôn cố gắng truyền đạt những gì tinh tế nhất của thi ca Việt Nam đến với học trò không chỉ trên giáo án mà bằng chính lòng yêu thơ của mình. Được đến với ngày thơ, được đọc và nghe những vần thơ của mình, bạn bè, đồng nghiệp, chúng tôi cảm thấy như mình đang tâm sự với nhau và hiểu nhau hơn. Với bài thơ "Hạnh phúc của tôi", người ta có thể cảm nhận được tình yêu nghề tha thiết của một nhà giáo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Tuy đã sắp nghỉ hưu nhưng lòng yêu nghề với cô vẫn nguyên vẹn như ngày đầu mới vào nghề. Những vần thơ của các thầy, cô không chỉ có tình yêu nghề mà còn là sự trăn trở với cuộc đời, là tình yêu, tuổi trẻ, những suy tư của một thời… Thầy giáo Ngô Xuân Hành (Trường THCS Yên Sơn - thị xã Tam Điệp) với bài thơ "Đi tìm câu hát Trương Chi" đã mang lại một cảm xúc trầm lắng cho buổi gặp mặt của những người yêu thơ: "Sông xưa bến cũ còn đây/Sóng du chèo lưới, gió lay cọc chèo/Vì ai chê danh phận nghèo/Thuyền tình gửi lại, một chiều ra đi…". Đúng như nhà thơ Bình Nguyên đã nói: Có thể "trong dòng chảy của cuộc sống hối hả, người ta có thể lúc nào đó quên đi những vần thơ, nhưng Ngày thơ Việt Nam chính là cây cầu bắc xuyên qua vùng quên ấy".
Trong ngày hội thơ, nhà thơ Lâm Xuân Vi, Trưởng bộ môn thơ của Hội VHNT tỉnh đã tâm sự về tình yêu dành cho thơ với các thầy, cô giáo và học sinh. Ông nói: "Thơ là linh hồn, nơi nào gieo được thơ nảy mầm là nơi đó có hạnh phúc. Ngành Giáo dục, mỗi nhà trường, thầy, cô giáo và học sinh chính là những người lưu giữ những hạt mầm thơ ca… Trong cơ chế thị trường, nhiều người nghĩ không còn chỗ đứng cho thơ, nhưng thực ra thi ca vẫn như dòng chảy không ngừng. Người làm thơ vẫn nhiều, những tác phẩm có giá trị vẫn được xuất bản, vì vậy mỗi khi ta làm được một câu thơ là ta đã sống chân, thiện, mỹ hơn…".
Tuy nhiên, Ngày thơ năm nay được tổ chức không có gì đổi mới so với những lần trước. Lễ kỷ niệm được tổ chức trong hội trường của Sở Giáo dục - Đào tạo như một buổi hội nghị: không có lễ kéo cờ ngũ sắc, không có những tập thơ mới xuất bản của các nhà thơ được chuyền tay nhau… Người ta không thấy ở đây vai trò chính của Hội VHNT tỉnh mà chỉ là của "chủ nhà Sở Giáo dục - Đào tạo", còn những nhà thơ của Hội VHNT tỉnh chỉ là những khách mời.
Có rất nhiều vấn đề về thi ca như: Tính chuyên nghiệp, định hướng thơ mới, thực tế sự phát triển của nhà thơ trẻ… mà trong Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" lẽ ra trong ngày thơ phải đem ra bàn bạc thì trong ngày thơ không có một tham luận nào sâu sắc về thơ mà mới chỉ dừng lại ở việc "tâm sự", ngay cả việc bình những bài thơ hay cũng không thấy xuất hiện trong ngày hội thơ lần này. Vì vậy, việc tổ chức Ngày thơ để có ý nghĩa sâu sắc, có sức lan tỏa rộng để cho mọi người hiểu về thơ và yêu thơ hơn là một việc làm không phải dễ
Nguyễn Thơm