Đến thăm Trung tâm vào một ngày tháng 8, không khí học tập, sản xuất tại đây diễn ra khá sôi nổi. Đồng chí Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Đây là phân xưởng may công nghiệp được Trung tâm liên kết với một cơ sở tư nhân để tiến hành đào tạo nghề may công nghiệp, đồng thời tạo việc làm tại chỗ cho những lao động có nhu cầu. Với 80 máy may được đầu tư, phân xưởng may công nghiệp đã thu hút nhiều lao động nữ đến học nghề và làm nghề. Chị Lê Thị Huyền (xã Yên Lộc) đang làm việc tại bộ phận là sản phẩm cho biết: Tôi mới vào học nghề tại Trung tâm được hơn 1 tháng. Tuy tay nghề chưa thành thạo nhưng được tham gia làm một số công đoạn để hoàn chỉnh sản phẩm, vừa học, vừa làm nên vẫn có thu nhập. Tôi cố gắng học tốt để có nghề trong tay, nếu không làm việc tại Trung tâm thì cũng có thể xin được việc làm ở nhiều cơ sở may công nghiệp khác ở huyện.
Cùng với nghề may công nghiệp, Trung tâm đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên để triển khai đào tạo thêm các nghề: hàn, điện lạnh, điện dân dụng... là những nghề mà nhu cầu học của người lao động khá đông. Bên cạnh đó, nhằm đổi mới phương thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người dân trong huyện, Trung tâm đã chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội để mở các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học tại chức các chuyên ngành mà nhu cầu của người lao động cần như: chuyên ngành thư viện, tài chính kế toán...
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, Trung tâm đã quan tâm sát sao đến việc tìm hiểu nhu cầu của người lao động, nhất là nhu cầu học nghề của những học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không có điều kiện học lên cao đẳng, đại học... để có sự tư vấn, tuyên truyền phù hợp. Đồng thời, Trung tâm còn đẩy mạnh việc phối hợp với các xã, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến cho người dân địa phương những thông tin về đào tạo nghề, việc làm. Trong công tác tuyển sinh, Trung tâm còn quan tâm và có chính sách miễn học phí cho con em gia đình chính sách. Có trường hợp còn được hỗ trợ thêm kinh phí trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, để mối quan hệ giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm được hài hòa, hiệu quả, Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong việc nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ và giới thiệu việc làm cho lao động sau học nghề. Để tạo thuận lợi cho người lao động ở xa, nhất là ở các xã bãi ngang xa trung tâm huyện là những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, Trung tâm đã về tận các xã tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại địa phương như lớp dạy nghề may công nghiệp, thêu ren tại xã Văn Hải, Kim Đông... Trung bình hàng năm, Trung tâm đã đào tạo nghề cho từ 700-800 lao động, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm sau học nghề đạt từ 70-80%.
Trước kết quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm hàng năm đạt khá cao và nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu học nghề của lao động địa phương, UBND huyện Kim Sơn đã xây dựng đề án "Thành lập trường trung cấp nghề" trình UBND tỉnh xem xét. Với mô hình này, quy mô đào tạo sẽ lớn hơn, đa dạng hơn, nhiều lao động địa phương sẽ được đào tạo nghề, đồng thời chất lượng nguồn nhân lực của địa phương sẽ được nâng lên, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH của huyện ven biển.
Bùi Diệu