Với Ninh Bình, đồng chí Lâm Tuấn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng vùng ven biển của tỉnh cũng đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9; giật cấp 10, cấp 11; kèm theo mưa vừa đến mưa to, từ 13h ngày 15/9 đến 19h ngày 16/9, lượng mưa đo được tại Gián Khẩu là 146,9 mm, thành phố Ninh Bình 124,6 mm, thành phố Tam Điệp 113,5 mm, Cúc Phương 200,7 mm, Nho Quan 99 mm.
Mực nước trên sông Hoàng Long tại bến Đế đạt đỉnh lúc 1h ngày 17/9 là 363 cm, trên báo động II là 13 cm. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành 2 công điện số 9 và số 10 yêu cầu các thành viên và Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai các phương án ứng phó với bão và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện cấm biển, ngăn tàu thuyền ra khơi trước 10h ngày 14/9; thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động vào bờ tránh trú bão xong trước 17h cùng ngày; triển khai phương án di dân vùng bãi bồi ngoài đê Bình Minh II đến Cồn Nổi vào bờ xong trước 15h ngày 14/9. Các huyện, thành phố tổ chức di dân ra khỏi vùng trũng thấp, vùng nguy cơ sạt lở đất, dừng hoạt động khai thác khoáng sản xong trước 19h ngày 14/9. Cấm đò ngang trên các sông từ 7h ngày 15/9 cho đến khi bão tan...
Kết quả, đến 17h ngày 14/9 đã kêu gọi được 148 tàu thuyền với 457 ngư dân, trong đó có 8 tàu thuyền và 47 ngư dân đánh bắt xa bờ vào nơi tránh trú an toàn; sơ tán 254 lao động của 196 lều chòi hoạt động nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh III và khu vực Cồn Nổi vào bờ; yêu cầu 2 xà lan cùng 15 công nhân đang thi công cầu, đường ra Cồn Nổi di chuyển vào nơi tránh trú bão. Công ty TNHH MTV KTCTTL đã chủ động vận hành 121 máy của 42 trạm bơm tiêu; mở 35 cống (13 cống dưới đê, 22 cống hồ) tiêu thoát nước đệm trong nội đồng và hạ mực nước các hồ trước khi có mưa to, gió lớn.
Tuy nhiên, do đây là cơn bão mạnh so với vài năm gần đây, lại xuất hiện vào lúc triều cường... nên cũng đã ít nhiều gây thiệt hại cho tỉnh. Sóng to đã làm bong tróc mái đê, chân kè đoạn đê Bình Minh III khu vực cống CT11, chiều dài khoảng 1,9 km.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ huy xử lý sự cố với 558 người được huy động (công an, quân đội 410 người; nhân dân và lực lượng xung kích địa phương 148 người); điều động 1 máy xúc đào, 34 xe chở vật tư, 390 rọ thép, 40 kìm, 40 xẻng, 174 m3 đá dự phòng, 2.000 bao tải, 50 kg dây thép... để xử lý sự cố.
Mưa to, nước trên các sông lớn, tại khu vực cống Xưởng đê Tả Vạc (Ninh An-Hoa Lư) nước tràn mặt đê chừng 20m; Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và huyện đã chỉ đạo lực lượng địa phương huy động phương tiện, vật tư đắp con trạch cao 0,5m chạy dài theo đê ngăn nước tràn vào nội đồng.
Toàn tỉnh có 4 nhà dân bị sập; 73 nhà bị tốc mái; 120 m tường rào bị bong tróc; 500 m2 mái tôn chợ, nhà xe bị tốc; 6 cống trên đê sông Mới (Yên Khánh) bị hư hỏng; 3 người dân ở Khánh Thành (Yên Khánh) bị thương nhẹ do gió lốc.
Về sản xuất, có khoảng 4.500 ha lúa ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông, phơi màu bị ảnh hưởng; 5 ha lúa ngoài đê sông Đáy bị ngập hoàn toàn; 6 ha hoa màu bị ngập; 10 ha nuôi cá ngoài đê (Yên Khánh) bị ngập, mất trắng; 75 ha nuôi trồng hải sản (Kim Sơn) bị ngập trắng...
Đặc biệt, vào hồi 19h ngày 16/9, tổ tuần tra đồn Biên phòng Kim Sơn đã phát hiện và cứu được 3 ngư dân đang trôi dạt ngoài khu vực Cồn Nổi là thuyền viên của tàu KG-94896 (Kiên Giang) bị chìm ở vùng biển Nam Định. Bộ đội Biên phòng Kim Sơn đã đưa các ngư dân trên về chăm sóc, hồi phục sức khỏe và hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, công việc trước tiên hiện nay là khẩn trương xác định mức độ thiệt hại cụ thể do bão gây ra đối với đê biển Bình Minh III, lập phương án và đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ kinh phí để gia cố, sửa chữa đảm bảo an toàn cho công trình, nhằm ứng phó với những cơn bão tiếp theo. Các huyện, thành phố khắc phục tình trạng ngập úng; khôi phục sản xuất.
Đinh Chúc