An ninh ở châu Âu đã trở thành nỗi lo thường trực. Để bảo đảm cho cuộc sống thanh bình, yên ổn như đã từng hiện hữu, mỗi quốc gia thành viên cũng như cả Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải thích ứng với hoàn cảnh mới và tăng cường đầu tư công sức, tiền của cho công tác này.
Mất cảnh giác? Theo bà Maggie de Block, Bộ trường Y tế của Bỉ thì các nạn nhân trong vụ đánh bom xảy ra hôm 22/3 đến từ 40 quốc gia khác nhau. Từ lâu nay, Bỉ luôn được coi là một trong những nơi đáng sống nhất thế giới. Tại thủ đô Brussels, ngoài trung tâm đầu não của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn có khoảng 2.500 trụ sở của các tổ chức quốc tế và khoảng 2.000 văn phòng của các công ty. Ngay sau khi bắt được Salah Abdeslam, kẻ chủ mưu vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái, ngày 19/3, cơ quan an ninh của Pháp và Bỉ đã cảnh báo khả năng tiếp tục xảy ra khủng bố tại 2 quốc gia này vẫn còn ở mức cao. Và quả là như vậy, ngày 22/3, một nhóm khủng bố đã đem bom vào tận quầy đăng ký trong sân bay của thủ đô Brussels và kích nổ. Ngay trong ngày, tờ báo L'Avenir của Bỉ đã dẫn lời người phụ trách công đoàn của cảnh sát Bỉ (SLFP Police) Vincent Gilles than phiền rằng từ hồi năm ngoái, mặc dù đã có những kiến nghị nhằm tăng cường hơn nữa công tác an ninh tại sân bay của Brussels nhưng lãnh đạo sân bay hầu như vẫn không có phản ứng gì. Và "chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với Bộ trưởng Nội vụ để bổ sung thêm nhân lực cho cảnh sát nhiều hơn so với mức chuẩn của EU, tuy nhiên đã 15 năm nay con số này vẫn chỉ cố định có 435 người!". Còn đại diện của công đoàn các công chức nhà nước (CGSP Amio) Pierre Goossens cũng cho rằng công tác an ninh tại sân bay rất lơi lỏng. Đã có trường hợp người lạ chui qua rào để vào tận đường cất hạ cánh trong sân bay. Từ khi EU cùng với khu vực tự do đi lại của Hiệp ước Schengen bao gồm lãnh thổ của 22 nước thành viên EU được thành lập, mọi "ngăn sông cấm chợ" trong nội bộ khối dường như được dỡ bỏ. Cùng với việc dỡ bỏ các trạm kiểm soát trên biên giới quốc gia, việc di chuyển giữa các nước thành viên cũng trở nên thoải mái hơn và việc kiểm tra giám sát trong suốt 30 năm qua đã dần bị xem nhẹ. Đã có những trường hợp bị một số kênh truyền hình "bóc mẽ" vì "chuyện thật mà như đùa". Đó là trường hợp của Josh Reed khi anh này cùng bạn gái bay từ Anh sang Đức. Lúc qua cửa kiểm tra giấy tờ, do nhầm lẫn Josh đã cầm hộ chiếu của bạn gái cùng thẻ lên máy bay của mình để trình nhân viên kiểm tra. Mặc dù cô bạn gái tóc vàng, còn anh ta tóc vừa đen lại vừa có râu quai nón và còn cao lớn hơn, vậy mà chẳng ai phát hiện ra sai sót này và cả hai đều đi qua trót lọt. Điều đáng nói là chuyện này xảy ra sau vụ đánh bom ở Paris không lâu. Và đây cũng không phải là trường hợp hy hữu. Hồi tháng 10 năm ngoái, từ sân bay Standsted (London), một người đàn ông 50 tuổi đã dùng hộ chiếu của cậu con trai 15 tuổi để bay đi nghỉ ở Hy Lạp. Ông ta đã lên máy bay một cách "bình an". Cuộc sống yên ả và thân thiện. Ngôi nhà chung đa quốc gia là mơ ước, là mục tiêu phấn đấu của người dân châu Âu. Thế nhưng cuộc khủng hoảng về người nhập cư đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân châu Âu?
… và giật mình Số liệu của Ủy ban thống kê châu Âu cho thấy, trong quý II/2015, đã có 231.200 người nộp đơn xin tị nạn tại "Lục địa già", tăng 15% so với quý I/2015 và tăng 85% so với cùng thời gian này của một năm trước đó. Cứ 3 người xin tị nạn ở châu Âu thì có 2 người muốn đến Đức. Có khoảng 6 triệu người Hồi giáo đang sinh sống tại Pháp. Ở Đức, con số này là hơn 4 triệu người. Tại Anh khoảng 2,7 triệu, Italy - 1,5 triệu, Tây Ban Nha - khoảng 1 triệu, Hà Lan - gần 1 triệu… Trong vòng 20 năm qua, số lượng người Hồi giáo ở châu Âu đã tăng lên gần gấp đôi. Theo cơ quan anh ninh của Đức, bọn khủng bố đã lựa chọn ra những kẻ "sẵn sàng tử vì đạo" cho mình từ những người nhập cư. Còn theo thông tin của Hiệp hội cảnh sát châu Âu (Europol), hiện nay có khoảng 5.000 kẻ "thánh chiến" đang ở trong lòng châu Âu. Chỉ sau khi khủng bố kinh hoàng ở Paris nổ ra hồi mùa thu năm ngoái, cơ quan an ninh Pháp mới "giật mình" và bắt đầu tổ chức kiểm tra nghiêm ngặt giấy tờ tại sân bay Charles de Gaulle. "Vấn đề nổi cộm nhất trong EU hiện nay đó là không có một cơ quan điều phối và trao đổi các thông tin về an ninh giữa các nước thành viên. Tại Đức, Trung tâm an ninh chịu trách nhiệm điều phối tối cao được tổ chức. Tất cả các thông tin từ 16 bang đều "chảy" về đây. Toàn bộ EU còn đang chưa có một Trung tâm như thế", ông Rainer Wendt, Chủ tịch công đoàn ngành cảnh sát LB Đức cho biết. Sau vụ khủng bố ở Paris, câu hỏi được đặt ra là những người đang làm việc tại các sân bay, họ là những ai? Và một chiến dịch kiểm tra, thanh lọc được tiến hành. Kết quả là có 57 nhân viên trong diện tình nghi đã bị buộc thôi việc tại sân bay Charles de Gaulle. Chỉ đến khi dòng người nhập cư đã "náo loạn" cả châu Âu thì chính phủ của các nước EU mới nhận ra rằng không thể "thắt lưng buộc bụng" cả với những chi phí cho công tác an ninh. Công đoàn ngành cảnh sát Đức than phiền rằng, chỉ để bảo đảm duy trì trật tự xã hội, đã có khoảng 10 triệu giờ làm thêm của các đồng nghiệp. "Do trước đây chỉ lo tiết kiệm chi phí mà giờ đây lực lượng cảnh sát của LB Đức bị thiếu khoảng 20.000 nhân lực. Chúng tôi đang phải tuyển gấp khoảng 3.000 nhân viên mới. Mà đâu chỉ có tuyển chọn, còn phải huấn luyện và đào tạo cho họ nữa. Công tác này thông thường kéo dài khoảng 3 năm" - ông Rainer Wendt cho biết, đồng thời nhận định "phải mất từ 10 đến 20 năm để "sửa sai" cho việc giảm biên chế và tiết kiệm chi tiêu trước đây.
Theo Phạm Hoàng/ VGP