Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri ở cụm 3 xã: Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long (huyện Nho Quan); thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh); phường Tân Bình(thị xã Tam Điệp); UBND huyện Hoa Lư; Sở Giáo dục và Đào tạo. Các buổi tiếp xúc đều được thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi cử tri có thể tham dự. Trong các buổi tiếp xúc, Đoàn đã thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, pháp luật; thông báo nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đồng thời gợi mở các vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo các dự án luật, nghị quyết nhằm phát huy trí tuệ và sự tham gia rộng rãi của cử tri. Đông đảo cử tri đã bày tỏ phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đánh giá cao những đổi mới trong phương thức hoạt động của Quốc hội nói chung cũng như của Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng. Cử tri tin tưởng vào tinh thần làm việc trách nhiệm của các vị ĐBQH tỉnh, do đó nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, cử tri cũng kiến nghị nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, trong đó, cử tri đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 về chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo theo hướng không phân biệt viên chức đang trực tiếp giảng dạy hay đang công tác.
Theo đó, các đối tượng đang công tác trong ngành giáo dục ở các lĩnh vực: Thư viện, thiết bị, văn thư, thủ quỹ... đều được hưởng phụ cấp thâm niên như nhau, nhằm đảm bảo tính công bằng, tạo điều kiện để cán bộ trong ngành yên tâm công tác lâu dài. Cử tri đề nghị tại kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội nên bàn thảo, xem xét kỹ lưỡng việc thi đại học, có phương thức thi mới, đảm bảo sự ổn định lâu dài, tránh tình trạng để học sinh trở thành đối tượng thí điểm. Đối với việc thực hiện chương trình sách giáo khoa sau năm 2015, cử tri đề nghị Quốc hội cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện vì đây là vấn đề liên quan đến sự nghiệp giáo dục của toàn dân, không phải sự nghiệp riêng của ngành giáo dục, cần công bố để người dân hiểu, góp ý và tạo đồng thuận trong xã hội.
Một vấn đề khác được cử tri quan tâm đó là việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; đổi mới quá trình đề xuất, thẩm định, lựa chọn và đánh giá, hoặc lựa chọn đề tài hay một dự án đổi mới công nghệ; tổ chức hợp lý hơn việc cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn thông tin một cách thuận lợi. Đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù với Ninh Bình trong việc đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao và Khu công viên động vật hoang dã; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho tỉnh về vốn để hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, tạo điều kiện thu hút các dự án vào đầu tư trên địa bàn...
Về thu phí giao thông đường bộ, nhiều cử tri cho rằng, việc giao cho tổ trưởng tổ dân phố đến từng hộ thu phí theo đầu xe máy là không hợp lý. Vì không có chế tài để xử phạt nên số người dân chấp nhận đóng rất ít. Do đó, cử tri kiến nghị với Quốc hội, Nhà nước cần thay đổi phương thức thu phí giao thông đường bộ, đảm bảo công bằng và tránh thất thu.
Các chính sách an sinh xã hội cũng là vấn đề "nóng" được nhiều cử tri quan tâm. Qua thực tế triển khai nhiều năm tại các xã vùng cao huyện Nho Quan, cử tri cho rằng chính sách hỗ trợ BHYT hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Cử tri đề nghị Nhà nước xem xét để người dân tộc Kinh nếu cùng sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn thì cũng được hưởng chính sách hỗ trợ BHYT như người dân tộc thiểu số. Đồng thời đề nghị nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ thôn, bản ở những xã đặc thù khó khăn để họ có điều kiện yên tâm công tác, cống hiến. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cử tri đề nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các xã vùng cao...
Bên cạnh việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, căn cứ vào chương trình xây dựng pháp luật, các ĐBQH theo sự phân công của Đoàn đã chủ động thu thập ý kiến của cử tri, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia để tổng hợp, nghiên cứu chuẩn bị ý kiến. Đoàn đã lấy ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật để tổng hợp, báo cáo cơ quan soạn thảo theo quy định; tiếp tục thực hiện hình thức hợp đồng "thuê chuyên gia" để tập hợp trí tuệ của những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn để đóng góp ý kiến với Đoàn trong công tác xây dựng pháp luật.
Ngoài việc lấy ý kiến góp ý các cơ quan bằng văn bản, đối với một số dự án luật quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng, còn nhiều ý kiến khác nhau được cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm, Đoàn đã tổ chức các hội nghị để đại biểu trực tiếp đóng góp ý kiến vào dự thảo một số luật như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trên cơ sở góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia và các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đã tổng hợp các ý kiến góp ý để gửi cơ quan soạn thảo theo quy định và tập hợp thành tư liệu phục vụ đại biểu thảo luận tại kỳ họp Quốc hội.
Sau đợt tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, Đoàn đã báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội và ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định.
Tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, sự làm việc nghiêm túc, khoa học, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều phương thức chuyển tải các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, để những bất cập nêu trên sớm được giải quyết.
Mai Lan