Theo đó, nhiều vấn đề nhân dân quan tâm, như tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện tham gia giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương, các thủ tục hành chính khi cấp đổi các loại giấy tờ cá nhân ở thành phố Ninh Bình… đã được chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của đông đảo cử tri. Thời gian qua, cử tri rất bức xúc trước tình trạng "Học sinh các trường THPT sử dụng xe đạp điện không chấp hành Luật Giao thông như: đi hàng ba, hàng bốn, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm gây nguy cơ tai nạn giao thông khi lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng trên các tuyến đường quốc lộ, khu vực đông dân cư". Để nâng cao ý thức chấp hành khi tham gia giao thông của các đối tượng sử dụng xe đạp điện, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/2014/CT-UBND ngày 18-11-2014 về xây dựng phong trào "An toàn trong trường học" trong các nhà trường.
Theo đó, Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tổ chức ký kết Kế hoạch liên ngành số 57 về phát động phong trào "An toàn trường học" trên địa bàn tỉnh, triển khai đến 100% trường học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ngành Công an đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng 6 phóng sự, 180 tin, bài tuyên truyền, phản ánh về tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT khi điều khiển xe đạp điện; tổ chức 218 buổi tọa đàm, tuyên truyền cho trên 9,5 nghìn học sinh, sinh viên; cùng với các đơn vị thành lập 230 tổ Thanh niên xung kích, 72 tổ Cờ đỏ, tự quản; thành lập 11 tổ công tác phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát để tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, công an các huyện, thành phố phân công lực lượng thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chuyên đề xử lý học sinh đi xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ; công an xã, phường, thị trấn phối hợp với đài truyền thanh cùng cấp thông báo các trường hợp vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh, qua đó có tác dụng tuyên truyền, giáo dục chung cho nhiều đối tượng. Kết quả, từ giữa tháng 12-2014 đến giữa tháng 5-2015, toàn tỉnh xử lý trên 2,1 nghìn trường hợp học sinh sử dụng xe đạp điện vi phạm, phạt tiền trên 134 triệu đồng, gửi trên 1,6 nghìn thông báo vi phạm về gia đình, nhà trường của học sinh vi phạm để có biện pháp giáo dục, xử lý.
Từ những biện pháp triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, thời gian qua, tình trạng học sinh sử dụng xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Đã có 99% học sinh trên địa bàn tỉnh nghiêm chỉnh chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy và khi sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông; nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của học sinh đã được nâng lên một bước.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 04 của UBND tỉnh về xây dựng phong trào "An toàn trong trường học" và Thông tri số 23 ngày 4-5-2015 của Tỉnh ủy về nội dung quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và chủ động đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức dễ học, dễ nhớ, dễ thực hiện, qua đó đưa các hoạt động quản lý, chăm sóc, giáo dục thanh, thiếu niên đi vào nề nếp, thực hiện sống và học tập theo pháp luật.
Đối với việc khắc phục tình trạng gây nhiễm môi trường ở một số nơi, như bãi chôn lấp rác thung Quèn Khó, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp); tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, tiếng ồn của Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Tam Điệp làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, xử lý, giải đáp thỏa đáng nội dung được chất vấn. Theo đó, từ khi Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình đi vào hoạt động đã cơ bản xử lý được lượng rác thải phát sinh hàng ngày. Tuy nhiên, còn lượng rác tồn đọng trước đây ở bãi rác cũ trên diện tích khoảng 4 ha được giao cho Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Tam Điệp xử lý nhưng chưa được triệt để. Hơn nữa, Dự án "Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt thung Quèn Khó" đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng nguồn kinh phí từ vốn sự nghiệp môi trường Trung ương hiện đang gặp khó khăn nên dự án chưa được triển khai thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét nhanh chóng đưa dự án vào chương trình mục tiêu quốc gia để khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trong giai đoạn 2016-2020.
Về tình trạng ô nhiễm của Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Tam Điệp, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 13-4-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về đảm bảo môi trường đối với nhà máy xi măng của Công ty theo kiến nghị của cử tri. Kết quả, Công ty đã dừng trạm đập liệu trong nhà máy (là nguyên nhân gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn); tiến hành trồng cây xanh xung quanh nhà máy và thay thế, sửa chữa toàn bộ hệ thống lọc bụi, hệ thống đường ống công nghệ với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Đồng thời xây dựng xong phương án di chuyển 3 hộ dân giáp nhà máy để thực hiện trong năm 2015 (kinh phí 1,2 tỷ đồng), xây dựng phương án di chuyển 4 hộ còn lại thực hiện trong năm 2016. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, đánh giá việc Công ty thực hiện các nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; UBND thành phố Tam Điệp khẩn trương làm việc với Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Tam Điệp để triển khai thực hiện phương án di dời các hộ dân…
Kết quả giải quyết việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và các giấy tờ cá nhân khác của người dân theo địa chỉ mới do đổi tên, đặt tên các tuyến đường trên địa bàn thành phố Ninh Bình theo Nghị quyết của HĐND tỉnh cho thấy, UBND thành phố Ninh Bình đã tăng cường công tác cấp đổi GCNQSDĐ theo địa chỉ mới, bằng việc tổ chức truyền thông rộng rãi qua các cuộc họp của phố, phường, hệ thống loa phát thanh tại địa phương…; đồng thời bố trí cán bộ nhận hồ sơ, hướng dẫn các hộ dân hoàn thiện thủ tục để cấp đổi. Đến nay, các trường hợp cấp đổi GCNQSDĐ đã cơ bản được giải quyết và hướng dẫn làm các thủ tục theo quy định.
Về việc cấp đổi các giấy tờ cá nhân khác của người dân, tập trung chủ yếu là cấp đổi sổ hộ khẩu, UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân; đồng thời cử cán bộ, cảnh sát khu vực, công an phụ trách xuống tận địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân làm các thủ tục cấp đổi. Mặt khác, để tạo thuận lợi cho công dân khi làm các thủ tục hành chính, nhất là việc cấp đổi sổ hộ khẩu đã giảm thời gian thực hiện từ 10-15 ngày xuống còn 1-3 ngày; bố trí làm thêm ngày thứ 7 hàng tuần để tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký hộ khẩu. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, Công an thành phố đã tổ chức 9 buổi xuống tận địa bàn để hướng dẫn cho công dân; hướng dẫn và làm thủ tục cấp đổi sổ hộ khẩu cho 392 hộ, trên 1,4 nghìn nhân khẩu có thay đổi đường phố, số nhà trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Công an thành phố tăng cường tuyên truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân đến làm các thủ tục hành chính…
Có thể nói, việc thực hiện cam kết giải quyết các nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII đã thể hiện năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND; đồng thời làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình trước những vấn đề cử tri quan tâm, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng tại địa phương…
Mỹ Hạnh