Sẽ di dời các cột điện trong quý I năm 2015 Giám đốc Điện Lực Ninh Bình, ông Ngô Nam Phòng đã đăng đàn trả lời kiến nghị của cử tri về việc hiện nay các địa phương trong tỉnh đang hưởng ứng mạnh mẽ phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", người dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp của để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên ở một số địa phương có tình trạng các hàng cột điện trước đây ở lề đường sau khi đường mở rộng vẫn chưa được di dời, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan nông thôn.
Về vấn đề này, ông Ngô Nam Phòng cho biết, trong những năm qua do việc mở rộng đường giao thông nông thôn, Công ty Điện lực Ninh Bình đã thực hiện di chuyển và trồng mới hàng nghìn vị trí cột tại các khu vực nông thôn và thay thế các vị trí cột không đảm bảo trong vận hành. Mặc dù vậy, thực tế số lượng cần dịch chuyển là rất nhiều, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí và nhân lực lớn. Để giải quyết những vấn đề phát sinh này, UBND tỉnh đã giao cho Công ty Điện lực Ninh Bình hỗ trợ các địa phương toàn bộ chi phí về cột, dây dẫn, các phụ kiện và nhân công di chuyển từ đường dây cũ sang tuyến đường dây mới. Phần vật liệu, nhân công móng cột và giải phóng mặt bằng các địa phương phối hợp với công ty tổ chức thực hiện.
Do đó Công ty đề nghị các địa phương cung cấp cho ngành Điện quy hoạch chi tiết đường giao thông nông thôn mới và kế hoạch thực hiện để chủ động lên phương án di dời các cột điện trong lòng đường, phấn đấu di dời các cột điện trong quý I năm 2015. Ngoài ra ông Ngô Nam Phòng cũng tiếp thu ý kiến của cử tri về thái độ, trách nhiệm phục vụ của một số nhân viên điện lực ở nhiều huyện chưa tốt. Riêng về vấn đề này, Công ty sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Ngô Nam Phòng trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng tạm thu khi thực hiện hợp đồng lắp điện thắp sáng tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố…
Đã phát hiện 4.665 vụ sử dụng kích điện để đánh bắt cá và các nguồn lợi thủy sản khác
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT trả lời về tình trạng sử dụng kích điện để đánh bắt cá và các nguồn lợi thủy sản khác có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Điều này đã, đang và sẽ làm tận diệt các sinh vật dưới nước, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và tính mạng của người dân. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, nhiều năm qua với chức năng của mình, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên. Hàng năm Sở đã phối hợp cùng các ngành, các cấp tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ được vai trò trong công tác này, từ đó hạn chế các hành vi vi phạm.
Đặc biệt đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phối hợp phát hiện 4.665 vụ, tịch thu 262 bình ắc quy, 4.165 kích điện; xử phạt hành chính 97 trường hợp với tổng số tiền trên 81 triệu đồng. Tuy nhiên để hạn chế tối đa tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt cá và các nguồn lợi thủy sản khác, ông Vũ Nam Tiến đề nghị các cấp, các ngành hữu quan và người dân cùng vào cuộc, làm tốt công tác quản lý về bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Cùng với nỗ lực của lực lượng công an, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ các cấp, các ngành
Đại tá Đinh Hoàng Dũng, Giám đốc Công an tỉnh trả lời ý kiến về tình trạng học sinh các trường THPT sử dụng xe đạp điện không chấp hành luật giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao, nhất là ở các tuyến đường quốc lộ, đông dân cư.
Giám đốc Công an tỉnh cho biết, qua khảo sát cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh ta tình hình học sinh sử dụng xe đạp điện tương đối phổ biến, tập trung nhiều ở thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và huyện Hoa Lư. Riêng địa bàn thành phố Ninh Bình đã có gần 2 nghìn học sử dụng xe đạp điện (chiếm 19% tổng số học sinh). Khi sử dụng xe đạp điện tham gia gia giao thông, học sinh thường mắc các lỗi chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn đường,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Trước tình trạng trên, lực lượng công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 04 và phối hợp với ngành Giáo dục ký kết thực hiện phong trào "an toàn trường học"; xây dựng mô hình "cổng trường an toàn". Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với các nhà trường tổ chức các buổi tọa đàm, tuyên truyền và ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đối với 100% học sinh sử dụng xe đạp điện.
Công an thành phố Ninh Bình đã mở đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị. Đã xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo gần 850 lượt học sinh điều khiển xe đạp điện vi phạm và lập danh sách gửi về nhà trường để có biện pháp giáo dục; phạt tiền 65 trường hợp vi phạm. Giám đốc Công an tỉnh cũng cho biết mặc dù trong năm chưa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào liên quan đến xe đạp điện nhưng đây vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm. Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của ngành Công an cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa từ các cấp, các ngành đến mỗi nhà trường, gia đình và học sinh.
Đinh Ngọc-Duy Hiền