Do tác động của giá lợn hơi giảm mạnh, giá thịt lợn bán lẻ tại chợ dân sinh và một số siêu thị đã có điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá thịt lợn trung bình loại đùi và vai quanh mức 60.000 đồng một kg, chân giò 50.000 đồng/kg, xương khoảng 66.000 đồng/kg, thịt xay 70.000 đồng/kg, xương ống 35.000 đồng/kg... Thịt lợn giảm giá, sức mua tăng, do đó người bán thịt lợn không có gì phải lo lắng. Đặc biệt, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan rà soát lại nguồn cung, sức tiêu thụ của thị trường, sản lượng đàn lợn tồn trong dân cũng như đánh giá những bất cập còn tồn tại để có phương án hợp lý hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi lợn.
Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.
Sở Công Thương cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định, bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp, trang trại, gia trại chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn, tăng lượng thu mua và trữ đông thịt lợn chăn nuôi trong nước.
Với những động thái từ phía cơ quan Nhà nước và sự chung tay của người dân, giá thịt lợn những ngày gần đây đang có sự chuyển biến, người chăn nuôi lợn đã bớt dần sự lo lắng. Trong khi thịt lợn đang được "ưu tiên" sử dụng trong các bữa ăn của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân thì những người kinh doanh thực phẩm khác như gia cầm và thủy sản lại bị tác động về giá.
Qua khảo sát tại các chợ trung tâm của thành phố Ninh Bình cho thấy, giá thịt bò thăn khoảng 200.000-220.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn giá ở mức 100.000-110.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg); thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 50.000-60.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg); trứng gà 28.000 đồng/chục; trứng vịt giá 22.000-25.000 đồng/chục (giảm 3.000 đồng/chục).
Giá một số mặt hàng thủy, hải sản giảm sâu hơn như: Cá chép ở mức 40.000-55.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg); tôm sú 150.000-200.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg); cá quả 100.000-110.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg)...
Chị Thịnh, chủ hàng kinh doanh gà ở chợ Kim Đồng cho biết: Những ngày qua, do ảnh hưởng bởi tâm lý "giải cứu" thịt lợn nên người tiêu dùng có phần ưu ái với việc mua thịt lợn hơn. Điều này dẫn đến lượng tiêu thụ các thực phẩm tươi sống khác như gà, vịt giảm đáng kể.
Chính vì lượng tiêu thụ giảm nên chúng tôi buộc phải giảm giá để giữ khách. Tuy nhiên, để giảm giá bán, chúng tôi phải "ép" giá đầu vào giảm xuống thì mới có lãi. Người chăn nuôi và cả người kinh doanh đều thấy khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Đối với người chăn nuôi gia cầm, việc giảm giá trong những ngày gần đây cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Anh Quách Văn Nam (xã Đức Long-Nho Quan) cho biết, lứa gà của gia đình anh đã đến kỳ xuất bán nhưng giá lại giảm, cộng với tiêu thụ chậm, nhưng nếu giữ lại thì chi phí cho thức ăn và nhân công cũng khá tốn kém. Nếu với giá thấp và thị trường tiêu thụ chậm như hiện nay thì người chăn nuôi không thể có lãi.
Thiết nghĩ, những giải pháp trên chỉ là tình thế trước mắt để người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, về lâu dài thì ngành chuyên môn và các cấp chính quyền cần có quy hoạch tổng thể và chi tiết cho ngành chăn nuôi sao cho phù hợp với sự vận động của thị trường. Không thể vì "cứu nguy" cho một sản phẩm mà ảnh hưởng đến các sản phẩm khác, gây khó khăn cho người sản xuất.
Nguyễn Thơm