Theo đó người lao động thuê nhà sẽ được trực tiếp mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang nếu đáp ứng đủ điều kiện, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành... Song trên thực tế hiện nay, còn nhiều chủ nhà cho thuê thu tiền điện của người thuê nhà với giá cao hơn so với quy định.
Theo Thông tư 05, việc ký hợp đồng mua điện đối với trường hợp cho thuê nhà để sử dụng vào mục đích sinh hoạt thực hiện như sau: Chủ nhà cho thuê phải xuất trình giấy đăng ký tạm trú của người thuê nhà; tại mỗi địa chỉ cho thuê, bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) duy nhất. Đối với trường hợp cho hộ gia đình thuê: Chủ nhà trực tiếp ký HĐMBĐ hoặc ủy quyền cho hộ gia đình thuê nhà ký HĐMBĐ (có bảo lãnh thanh toán tiền điện), mỗi hộ gia đình thuê nhà được tính một định mức.
Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký HĐMBĐ hoặc ủy quyền cho đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết HĐMBĐ (có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà). Trong trường hợp này, cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú) tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang; 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.
Trường hợp thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký HĐMBĐ; chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện. Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình giấy đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.
Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện Thông tư này còn chưa phổ biến do phần đông chủ nhà trọ và người thuê nhà chưa nắm bắt được nội dung này.
Vừa qua, Sở Công thương đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra giá bán lẻ điện sinh hoạt tại một số hộ cho thuê nhà để ở trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Qua kiểm tra cho thấy tất cả những người đi thuê nhà đều không có HĐMBĐ và đều bị thu tiền điện cao hơn mức quy định của Nhà nước. Như gia đình ông Trần Văn V. (phố Phúc Thịnh, phường Phúc Thành) có nhà cho học sinh và người lao động thuê từ nhiều năm và thường xuyên có từ 9-12 người thuê nhà, nhưng đến nay ông vẫn chưa có HĐMBĐ trực tiếp với Công ty Điện lực thành phố mà người thuê nhà vẫn sử dụng chung điện với chủ hộ. Giá bán điện cho người thuê nhà được tính theo giá bình quân khoảng 2.000 đồng/kwh. Điện của các phòng được theo dõi bằng 1 công tơ tổng và cuối tháng chia bình quân cho các phòng trọ.
Gia đình bà Phạm Minh Kh. ở đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Phúc Thành cũng có 8 phòng để cho thuê, thời điểm cao nhất có từ 24-25 người trọ. Khi đoàn thanh tra của Sở Công thương đến kiểm tra giá bán lẻ điện sinh hoạt cho đối tượng thuê nhà trọ thì bà mới vỡ lẽ là mình chưa thực hiện đúng quy định về việc bán điện.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chủ nhà trọ không tự giác thực hiện các quy định trong Thông tư 05 của Bộ Công thương. Theo ông Bùi Xuân Tiến, Phó phòng điện năng Sở Công thương, lý do mà chủ nhà "ngại" thông báo với các cơ quan có thẩm quyền về mục đích sử dụng điện cho người thuê nhà là bởi vì sợ các thủ tục phiền hà như kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký kinh doanh... và hơn hết sự chênh lệch về giá điện theo quy định cũng là một khoản thu không nhỏ cho chủ nhà. Một số chủ nhà có ý kiến rằng nếu bắt buộc phải thực hiện quy định về thu tiền điện theo giá chung của Nhà nước thì sẽ phải tăng giá thuê nhà. Như vậy cũng vẫn là người thuê nhà phải gánh chịu.
Để đảm bảo được quyền lợi của người sử dụng điện, đặc biệt là các đối tượng thuê nhà để ở, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Công ty Điện lực thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về chính sách hỗ trợ giá điện của Nhà nước cho đối tượng là người thuê nhà. Yêu cầu người thuê nhà nếu gặp khó khăn do phải trả tiền điện với giá cao hơn so với quy định đề nghị làm đơn gửi Sở Công thương để được giải quyết... Đồng thời xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp chủ nhà cho thuê thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành.
Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi cho người có nhà cho thuê, người thuê nhà, ngành chức năng cần phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền các quy định của Nhà nước, đồng thời giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện các quy định về đăng ký tạm trú, an ninh trật tự, thu tiền điện của người thuê nhà. Hơn ai hết, những người thuê nhà (học sinh, sinh viên, người lao động xa nhà...) nên chủ động nắm bắt thông tin và yêu cầu chủ nhà cho thuê thực hiện đúng quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Nguyễn Thơm