VƯỚNG MẮC TRONG XỬ LÝ TÀI SẢN ĐẢM BẢO VỚI NHIỀU RÀO CẢN PHÁP LÝ
Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, mặc dù số vụ việc thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ từ 1-3% so với tổng số vụ việc phải thi hành án trong những năm gần đây nhưng số tiền phải thi hành chiếm tỷ lệ rất cao, từ 60-73% trong số tiền phải tổ chức thi hành án.
Song đây là những vụ việc phức tạp, kéo dài, kết quả thi hành án đạt tỷ lệ thấp nguyên nhân do không xử lý được tài sản đảm bảo dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng đang nằm trong đống tài sản phơi sương mà không thể đem ra quay vòng trong nền kinh tế.
Được thành lập từ năm 2008, Công ty cổ phần Thăng Long, Hoa Lư có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Hà Nội, hoạt động tại xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, ngành nghề kinh doanh là may công nghiệp. Công ty từng được xem là điểm sáng của Nho Quan trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Thời điểm hưng thịnh, Công ty có khoảng 200 công nhân với hàng chục dây chuyền may sản xuất liên tục. Công nhân phải chia ca để ăn trưa cho kịp các đơn hàng xuất khẩu. Thế nhưng giờ đây toàn bộ diện tích nhà xưởng của Công ty gần 15 ha gần như bỏ hoang. Khi chúng tôi đến chỉ còn vài tổ may đang làm việc, nhà xưởng, máy móc... trị giá hàng chục tỷ đồng được xếp đống đang hoen rỉ, xuống cấp.
Sản xuất, kinh doanh thua lỗ, Công ty không có đủ khả năng trả nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Ninh Bình. Tính đến hết năm 2017, Công ty phải trả cho Ngân hàng là trên 37 tỷ đồng, trong đó nợ gốc trên 32 tỷ đồng và nợ lãi là gần 5 tỷ đồng. Sau khi có quyết định của Tòa án, cơ quan Thi hành án đã kê biên, xử lý tài sản đảm bảo để trả nợ cho ngân hàng.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết gặp rất nhiều khó khăn vì trụ sở Công ty đóng tại Hà Nội, tài sản thế chấp cho ngân hàng thì ở Nho Quan và thị xã Sơn Tây, Hà Nội, do vậy việc Chi cục Thi hành án dân sự Nho Quan tiếp cận với lãnh đạo Công ty cũng như xác minh làm rõ tài sản hiện tại của Công ty gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tài sản thiết bị máy móc phục vụ cho ngành may và các tài sản khác qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, giá trị bị hao hụt nhiều so với thời điểm mới thiết lập hợp đồng thế chấp. Phía chủ Công ty cũng không thiện chí hợp tác giải quyết, gây nhiều khó khăn đối với công tác thi hành án.
Gây nên khó khăn trong xử lý tài sản thế chấp còn có nguyên nhân từ chính một số cán bộ tín dụng của các ngân hàng chưa tuân thủ chặt chẽ trình tự thủ tục cho vay, thiếu kiểm tra, thẩm định về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay cũng như tài sản đảm bảo dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi tiền, tài sản đảm bảo ở giai đoạn thi hành án.
Theo quy định, khi cán bộ tín dụng làm thủ tục cho vay phải xuống tận nơi thẩm định tài sản thế chấp, trong quá trình cho vay ngân hàng cũng phải theo dõi giám sát tài sản để tránh biến động, thất thoát tài sản và bảo toàn vốn cho ngân hàng
Ông Phạm Xuân Túy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhận xét: Qua công tác thi hành án có thể thấy, nhiều hợp đồng tín dụng có giá trị rất lớn nhưng tài sản đảm bảo lại thấp, nhất là sau khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ việc thỏa thuận tài sản đảm bảo giữa khách hàng và tổ chức tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó là tâm lý ngại mua tài sản thi hành án của người dân khiến quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án gặp nhiều khó khăn, nhiều lần mở bán, hạ giá vẫn không thành. Có những tài sản là nhà đất sau lần giảm giá thứ 14 mới có người mua nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị khi định giá.
Có thể nói, những vướng mắc, bất cập trong xử lý tài sản đảm bảo là "nút thắt" lớn nhất trong công tác xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng khiến tài sản bị hư hỏng, giảm sút giá trị, gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng. Vì vậy, để xử lý dứt điểm và hiệu quả vấn đề trên không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng của ngành ngân hàng mà còn cần sự tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị có liên quan, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Phân tích nguyên nhân xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn, ông Phạm Xuân Túy, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh cho rằng, các tổ chức tín dụng và cơ quan pháp luật đang bất lực trước việc chây ỳ trả nợ của "con nợ". Khi đã bị kiện ra tòa, bị đơn tìm đủ cách để trì hoãn, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.
Ông Túy cũng chỉ rõ "thủ phạm" chính cản trở tiến trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng là hệ thống pháp luật thiếu chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở, tạo mảnh đất tốt cho con nợ lợi dụng, quyền khiếu nại tố cáo, quyền khởi kiện ra tòa để kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại có chung nhận định: Kết quả xử lý nợ phụ thuộc quá nhiều vào thiện chí của "con nợ" và sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, thay vì phải dựa vào luật.
Ông Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh nói: Đơn cử như quyền thu giữ tài sản thế thấp. Theo quy định của pháp luật các tổ chức tín dụng có đầy đủ quyền hạn tự mình và chủ động xử lý nợ nếu như đã có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.
Cụ thể, quyền thu giữ tài sản bảo đảm; bán tài sản bảo đảm... Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức tín dụng hầu như không thể tự mình thực hiện quyền này do việc xử lý nợ liên quan đến quá nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền người tiêu dùng; hình thức và nội dung hợp đồng; trách nhiệm liên quan đến tài sản và giao dịch,... được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng...
Bên cạnh đó, rất ít ngân hàng dám thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo vì sự đồng thuận của dư luận, uy tín ngân hàng.
Nguyên nhân dẫn đến những vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng khó giải quyết dứt điểm mà Cục thi hành án Dân sự tỉnh xác định là hệ thống các quy định pháp luật vẫn còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng.
Đặc biệt chưa có quy định cụ thể trong việc xác định tư cách của bên thứ 3 thế chấp tài sản bảo lãnh cho nghĩa vụ của người phải thi hành án (xác định họ là người phải thi hành án hay người có nghĩa vụ liên quan).
Cục thi hành án dân sự tỉnh cũng chỉ rõ: Trong việc xử lý tài sản bảo lãnh, nhiều trường hợp người bảo lãnh có số lượng tài sản rất lớn, tuy nhiên tài sản đó chỉ bảo lãnh số tiền nhỏ hơn nhiều nên thi hành án rất khó. Có trường hợp tài sản bảo lãnh của bên thứ 3 bảo lãnh cho cá nhân hoặc doanh nghiệp vay vốn sử dụng tài sản là nhà ở xã hội, trong đó có một phần tiền đóng góp của gia đình, một phần tiền huy động từ quỹ an sinh xã hội nên khi thi hành án rất lúng túng vì ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc sau khi thi hành án số tiền trả cho bên thứ 3 hay thanh toán án phí trước cũng là vướng mắc lớn trong quán trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.
Một yếu tố không thể không nhắc đến đó là, pháp luật cũng chưa quy định xử lý dứt điểm những vụ việc khi đã bán hết tài sản bảo lãnh, không còn tài sản khác. Bởi thế, cơ quan thi hành án dân sự đã ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành nhưng vẫn thường xuyên phải theo dõi, xác minh điều kiện thi hành án, hàng tháng, hàng năm vẫn phải thống kê kết quả thi hành án. Số vụ việc này hiện nay còn tồn đọng tương đối nhiều, chưa có hướng giải quyết.
Mặc dù việc thi hành án là nhằm bảo vệ quyền lợi của các ngân hàng, bảo toàn nguồn vốn cho vay song một số ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án trong việc tổ chức thi hành án. Có những Bản án, Quyết định của Tòa án xét xử 4 năm 11 tháng mới làm đơn yêu cầu thi hành án, lúc này đa số tài sản đã hư hỏng, bị tẩu tán, khấu hao... nên giá trị còn lại rất thấp.
Một số ngân hàng cũng chưa phối hợp trong việc nhận tài sản bán đấu giá không thành để đối trừ vào khoản được thi hành án; không thực hiện việc giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện việc kê biên tài sản... vì vậy, khi xử lý tài sản rất phức tạp dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết.
Một số vụ việc, cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành quyết định cưỡng chế kê biên xử lý tài sản nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện Ngân hàng cùng đương sự tự thỏa thuận về thời gian, cách thức thanh toán nợ nhằm hỗ trợ cho Doanh nghiệp và cá nhân có thể phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc cơ quan thi hành án dân sự không thể xử lý dứt điểm được vụ việc mà phải theo dõi, đôn đốc, kéo dài.
Ngoài ra, công tác phối hợp thẩm định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quản lý tài sản đảm bảo cho vay của ngân hàng với một số cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế như: Ngành Tài nguyên, môi trường (đối với tài sản là giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất), ngành Nông nghiệp (cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản…) tạo khoảng trống cho công tác quản lý tài sản đảm bảo cho vay...
XỬ LÝ NỢ XẤU: CẦN GIẢI PHÁP TỔNG THỂ, QUYẾT LIỆT
Mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cơ bản Nghị quyết sẽ là cơ sở để xử lý được căn nguyên những tồn tại hiện có đối với vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao tạo ra chế tài bình đẳng trong quan hệ dân sự, pháp luật, góp phần đẩy mạnh xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: Trường Giang
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tổng nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) đến hết năm 2018 là 3.737 tỷ đồng. Trong đó: Tổng nợ xấu của các Ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng hợp tác xã (NH HTX), Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là 847 tỷ đồng, chiếm 1,15%/tổng dư nợ của các NHTM, NH HTX, NHCSXH, QTDND; nợ xấu của Ngân hàng phát triển là 2.890 tỷ đồng, chiếm 59%/tổng dư nợ của NHPT.
Ông Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Nhìn chung, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các NHTM bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. NHNN đã có nhiều giải pháp được ban hành để hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu.
Do đó, các NH, TCTD trên địa bàn thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các Chi nhánh NH, TCTD có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên dưới 1%. Ngoài ra, tổng nợ được cơ cấu lại của các NH, TCTD trên địa bàn trong năm 2018 là 557 tỷ đồng. Tổng nợ được xử lý rủi ro là 883 tỷ đồng.
Mặc dù các NHTM đã có rất nhiều nỗ lực trong việc quản lý chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng nhìn thẳng vào vấn đề thì rõ ràng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập. Do đó, các ngân hàng đòi hỏi cần tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới để không tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đã đề ra.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng định hướng và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế.
Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD, hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu...
Đây là hướng mới của toàn ngành trong việc ngăn chặn xử lý nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo 2019-2020. Để giảm nợ xấu, quản lý rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với nguồn vốn huy động cả về quy mô và cơ cấu, phù hợp với tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế tín dụng. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng, nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hóa tài chính các Ngân hàng, TCTD.
Để xử lý nợ xấu ngân hàng, ông Hoàng Văn Thành mong muốn: Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đưa ra một số cơ sở pháp lý để các ngân hàng có thể giải quyết nợ xấu hiệu quả hơn, chẳng hạn như, việc thu hồi tài sản bảo đảm có hay không có sự hợp tác của người đi vay cũng như các cơ quan an ninh.
Chính vì thế chính quyền địa phương phải hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Nếu việc thu giữ đó hợp pháp rồi thì tòa án cũng cần theo Nghị định 42 có những thủ tục ngắn gọn để xử lý các vụ kiện liên quan đến vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm.
Bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng, ngành Thi hành án đã tập trung nắm bắt và giải quyết các vướng mắc phát sinh; chỉ đạo cụ thể, sát sao đối với những vụ việc có khó khăn, vướng mắc, một số vụ việc đã bán đấu giá thành, tuy nhiên lại gặp khó khăn trong việc bàn giao tài sản. Ngành đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng và các cơ quan có liên quan để thống nhất kế hoạch tổ chức thi hành dứt điểm đối với từng vụ việc.
Ông Phạm Xuân Túy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho rằng: Việc giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng trong thời gian tới không phải chỉ là trách nhiệm của ngành Ngân hàng và cơ quan thi hành án mà cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các ngành có liên quan như Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... hỗ trợ cơ quan thi hành án tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án.
Từ đó thống nhất các biện pháp giải quyết những vụ việc còn tồn đọng, đảm bảo việc tổ chức thi hành được thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm rút ngắn thời gian tổ chức thi hành.
Cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp chính quyền địa phương cần phối hợp để thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích, vận động người dân trong việc tự giác chấp hành pháp luật nói chung và Luật Thi hành án dân sự nói riêng để họ hiểu và tự nguyện thi hành án.
Phía cơ quan thi hành án cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Ninh Bình có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác liên quan đến việc thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Đề nghị các NHTM, TCTD trên địa bàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Đề cao vai trò của cán bộ ngân hàng trong việc thẩm định tài sản thế chấp và định giá tài sản trước khi cho vay đảm bảo tính chặt chẽ về tình trạng tài sản bảo đảm; tổ chức định giá tài sản thế chấp, bảo lãnh sát với thực tế, đảm bảo khoản vay được công khai minh bạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, cần kiểm tra việc quản lý và sử dụng vốn vay cũng như tài sản thế chấp, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra.
Các NHTM cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp cho vay không đúng quy định; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với trường hợp cán bộ thẩm định, định giá của ngân hàng có hành vi móc nối với khách hàng để nâng giá trị tài sản thế chấp nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước.
Quán triệt đến cán bộ tín dụng, trong quá trình thỏa thuận hợp đồng, nhất là hợp đồng bảo lãnh thế chấp của bên thứ 3, cần giải thích rõ quyền, nghĩa vụ của người bảo lãnh, cần thể hiện rõ ràng các điều khoản hợp đồng, tránh đưa các nội dung đa nghĩa để có thể hiểu điều khoản ký kết theo nhiều hướng khác nhau, gây khó khăn cho quá trình xử lý tranh chấp.
Tập trung phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án. Cử người đại diện có năng lực, trách nhiệm để phối hợp với chấp hành viên trong công tác xác minh tài sản, điều kiện thi hành án, trong việc tổ chức kê biên, định giá, xử lý tài sản bảo đảm; phối hợp thống nhất giải pháp để giải quyết các vướng mắc phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xử lý tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản đã giảm giá nhiều lần không bán được, đề nghị ngân hàng xem xét có hướng nhận tài sản để đảm bảo thi hành án.
Xem xét, có chính sách miễn, giảm tiền lãi phù hợp đối với các trường hợp người phải thi hành án gặp khó khăn, thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh, tự nguyện thi hành án.
Ngành thi hành án cũng đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, báo cáo đề nghị Quốc hội sửa đổi một số điều luật cho phù hợp với thực tiễn như: Đề nghị rà soát, sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thứ tự ưu tiên thi hành án, về việc xử lý tài sản là nhà ở duy nhất cho phù hợp với thực tế, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Quy định cụ thể về việc xác định tư cách của bên thứ 3 thế chấp tài sản để bảo lãnh cho nghĩa vụ của người phải thi hành án như việc xác định họ là người phải thi hành án hay là người có nghĩa vụ liên quan.
Cần có quy định hướng xử lý dứt điểm những vụ việc đã xử lý hết tài sản bảo lãnh, thế chấp, người phải thi hành án không còn tài sản cơ quan thi hành án trả lại đơn yêu cầu thi hành án hoặc đình chỉ thi hành án. Quy định chế tài xử lý hình sự đối với hành vi cố tình che giấu tài sản thế chấp.
Nguyễn Thơm