Giá thịt lợn vẫn cao
Qua khảo sát của phóng viên tại một số chợ truyền thống và các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, hiện nay giá lợn hơi vẫn tiếp tục tăng cao, chênh khá xa so với giá Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm. Chị Nguyễn Thị Hường, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mía (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Giá lợn hơi mua tại chuồng có giảm nhẹ sau khi Chính phủ yêu cầu nhưng mấy ngày gần đây đã tăng trở lại. Ngày 12/4, giá mua tại hộ nuôi nhỏ lẻ đã tăng lên 89.000 đồng/kg hơi, kéo theo đó là giá thịt lợn thành phẩm tăng theo". So với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì giá xuất chuồng tại các trang trại quy mô lớn có hạ nhiệt hơn nhưng vẫn giữ ở mức cao. Anh Hoàng Văn Điền ở xã Yên Mạc-chủ trang trại chăn nuôi lợn có quy mô hơn 1.000 con lợn thịt cho biết: "Hiện giá xuất chuồng của trang trại đã tăng trên 85.000 đồng/kg thịt hơi và với nguồn lợn khan hiếm chắc chắn giá tiếp tục tăng trong những ngày tới".
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất khiến giá thịt lợn tiếp tục tăng cao trở lại là do nguồn cung thịt lợn giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến. Mặt khác, hệ thống phân phối thịt lợn nhiều tầng, nhiều lớp, việc tiêu thụ phần lớn phụ thuộc vào khâu trung gian là các chủ lò giết mổ và tiểu thương. Điều này làm cho việc tổ chức lưu thông phân phối thịt lợn trên thị trường gặp nhiều khó khăn và giá thịt lợn bị đội lên. Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trên phạm vi cả nước đã có 15 doanh nghiệp lớn cam kết giảm giá thịt lợn về mức 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chỉ chiếm hơn 40% thị phần trong cả nước, còn lại nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với thị phần như vậy sẽ không đủ tiềm lực để chi phối thị trường và đưa giá thịt lợn về mức mong muốn. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến giá thành thịt lợn tăng là do thói quen dùng nhiều thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam.
Về phía ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn sụt giảm mạnh. Từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, toàn tỉnh ghi nhận 142 xã, phường trên 8 huyện, thành phố có dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc bệnh và tiêu hủy gần 109.000 con với trọng lượng là 6.345 tấn. Tính đến nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh là trên 200.000 con, giảm 30% so với thời điểm trước khi có dịch. Trong khi thị trường khan hiếm nguồn cung thì nhiều trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dù có đủ điều kiện nhưng cũng không thể nhanh chóng tái đàn hoặc không dám tái đàn do giá con giống quá cao, chi phí đầu tư lớn và sợ nguy cơ bùng phát dịch có thể trở lại bất cứ lúc nào. Hiện các trang trại lớn chỉ đủ con giống duy trì khôi phục lại sản xuất trong hệ thống, không có nguồn con giống bán ra ngoài. Giá lợn giống đã tăng gấp ba, thậm chí gấp bốn lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (từ 3-3,5 triệu đồng/con). Ước tính tốc độ tái đàn trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 6-7%. Tỷ lệ tái đàn thấp dẫn đến nguồn cung khan hiếm và giá thịt lợn vẫn tăng, chưa có dấu hiệu giảm.
Tìm cách bình ổn thị trường
Để kiểm soát thị trường thịt lợn, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững của ngành chăn nuôi cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng trong triển khai đồng bộ các giải pháp. Ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân thay đổi dần thói quen ăn uống hàng ngày, có thể thay thịt lợn bằng các sản phẩm từ bò, gà, ngan, vịt, thủy, hải sản... mà vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Đối với ngành chăn nuôi, cần tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp tái đàn, đảm bảo an toàn sinh học. Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 10/4/2020, các ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã qua 40 ngày không phát sinh dịch bệnh kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng tại phường Tân Bình (thành phố Tam Điệp). Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại vẫn còn do vi rút dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và bệnh chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu người chăn nuôi thực hiện tốt các quy trình phòng, chống dịch bệnh, nuôi theo hướng an toàn sinh học thì đây sẽ là cơ hội để phát triển chăn nuôi trở lại và kéo giảm giá thịt lợn trên thị trường.
Nhằm bình ổn giá thịt lợn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại có đủ điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học tái đàn để cung cấp sản phẩm thịt lợn cho thị trường. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi giá trị từ chăn nuôi đến phân phối ra thị trường, giảm bớt các khâu trung gian, bảo đảm người tiêu dùng được sử dụng thịt lợn với giá hợp lý… Bên cạnh đó, xác định mấu chốt của vấn đề tỷ lệ tái đàn thấp là do thiếu con giống và giá con giống rất cao. Vì vậy cùng với việc hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân đẩy nhanh tiến độ tái đàn theo hướng an toàn sinh học, Chi cục thực hiện rà soát lại tổng đàn, nhu cầu tái đàn và trên cơ sở đó xin tỉnh hỗ trợ một phần chi phí mua lợn nái sinh sản, tăng lượng con giống ra ngoài thị trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng theo nhận định của các chuyên gia và các chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, không thể một sớm một chiều giảm giá thịt lợn về mức giá Chính phủ đã chỉ đạo. Nếu các cấp, các ngành, người chăn nuôi triển khai tốt các giải pháp trên và tình hình dịch bệnh không bùng phát trở lại, vấn đề tái đàn thuận lợi, dự kiến cuối quý III hoặc sang quý IV nguồn cung thịt lợn sẽ được cải thiện và sang năm 2021 tổng đàn có thể về mức cuối năm 2018, thời điểm trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Với tiến độ tăng nguồn cung như trên, giá lợn cũng sẽ giảm dần về mức bình thường.
Hồng Giang