Chị Bùi Thị Thúy ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn cho biết, sau 3 năm làm công nhân may mặc cho Công ty May Đài Loan, do hoàn cảnh gia đình nên chị xin nghỉ việc vào đầu tháng 4/2018. "Mình đóng 3 năm bảo hiểm thất nghiệp nên chỉ muốn lấy tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, tôi ở nhà làm nông nghiệp, thỉnh thoảng rảnh rỗi tôi đi làm thuê. Muốn học nghề để đổi công việc nhưng với mức hỗ trợ với lao động thất nghiệp hiện nay là 1 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ không quá 6 tháng là thấp. Tôi tìm hiểu một khóa học nghề, như nghề nấu ăn riêng học phí đã hết khoảng trên 10 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn uống, đi lại khá tốn kém".
Anh Đại, một công nhân cũng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng nêu khó khăn: tôi làm công nhân cho một nhà máy gạch. Tuy nhiên, tuổi đời còn quá trẻ vì vậy hiện nay tôi đã nghỉ việc với mong muốn tìm một công việc khác cho phù hợp hơn và có thu nhập tốt hơn. Tôi đã tìm hiểu về nghề lái xe và có mong muốn sẽ được theo học. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với tôi chính là mức học phí khá cao so với khả năng của tôi, trong khi đó thì mức hỗ trợ lại thấp quá. Người lao động thất nghiệp như tôi không đủ điều kiện bỏ thêm tiền ra để học nghề, thôi thì lại đi làm những công việc lao động phổ thông thôi.
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để tổ chức đào tạo nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và nhu cầu của người thất nghiệp. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đã bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề. Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện để tạo điều kiện cho lao động ở xa tiết kiệm được chi phí đi lại, tiện lợi trong việc khai báo hưởng trợ cấp cũng như tiếp cận các thông tin học nghề và việc làm tại cơ sở… Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tính từ tháng 1 đến hết tháng 11/2018, có 3.441 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại đơn vị. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3.321 người, tuy nhiên, mới chỉ có 26 lao động trong số này đăng ký và có quyết định hỗ trợ học nghề, trong đó chủ yếu là học lái xe, kế toán.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, mặc dù trong năm 2018, số lượng lao động thất nghiệp đăng ký học nghề đã tăng 12 trường hợp so với năm 2017, tuy nhiên theo đánh giá vẫn còn quá thấp so với lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thực tế cho thấy, mặc dù Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về thời gian và mức hỗ trợ học nghề cho lao động đã được thông thoáng và thuận tiện hơn nhiều so với Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn rất thấp, do đó chưa thu hút được người lao động thất nghiệp tham gia học nghề. Các cơ sở dạy nghề cũng không thể mở riêng lớp cho một vài lao động thất nghiệp. Còn lao động học chung với khóa đào tạo của trường nghề thì lại mất thời gian đến vài năm, trong khi lao động thất nghiệp chỉ muốn học nghề trong thời gian sớm nhất để quay lại thị trường việc làm. Trong khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Mức hỗ trợ thấp và thời gian học ngắn như vậy khiến người lao động dù có muốn cũng không thể nào học được nghề mới. Do vậy, tâm lý chung của các lao động chọn lao động tự do để có thu nhập duy trì cuộc sống trong khi tìm việc làm mới.
Hỗ trợ học nghề là một chính sách BHTN, rất cần thiết đối với người lao động thất nghiệp, giúp họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề, sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, trở thành "cứu cánh" cho người lao động thì các nhà làm chính sách cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ học nghề, hỗ trợ chi phí đi lại cho người lao động thất nghiệp. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo nghề cần phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội, sắp xếp lịch linh hoạt, phù hợp với thời gian của người lao động và có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học nghề cao. Mặt khác, các ngành chức năng cũng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp để người lao động dễ tìm việc sau khi được đào tạo.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng