Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai và đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý liên thông dữ liệu và kết nối khám, chữa bệnh với BHXH tỉnh, đáp ứng được việc kết xuất dữ liệu theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đây là giải pháp đồng bộ, tập trung dữ liệu từ khâu tiếp nhận tại cơ sở y tế đến khâu giám định, thanh toán tại cơ quan BHXH.
Việc triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT giúp cho thông tin khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT được công khai, minh bạch, người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi khám, chữa bệnh. Đối với đơn vị, khâu tiếp nhận và khám, chữa bệnh thuận lợi hơn, các thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi và thanh toán BHYT được rút ngắn, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, quản lý, sử dụng quỹ BHYT theo các Quyết định của Bộ Y tế.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng triệt để CNTT trong khám, chữa bệnh như: Quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý viện phí, quản lý dược, hệ thống xét nghiệm, hệ thống chẩn đoán hình ảnh... Đặc biệt, từ tháng 6/2021, người bệnh đi khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy. Để tạo thuận lợi cho bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư các máy đầu đọc để quét mã QR - Code. Việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, Bệnh viện cũng thực hiện các thủ tục khám, chữa bệnh BHYT cho họ nhanh chóng, thuận lợi hơn do đã được cập nhật đồng bộ nhiều thông tin lưu sẵn...
Việc ứng dụng CNTT trong truy cập thông tin, kết nối và liên thông văn bản điện tử từ bệnh viện với các cơ quan, đơn vị cấp trên và trong toàn ngành được Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai hiệu quả. Bệnh viện đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel triển khai thực hiện chữ ký điện tử để ký xác nhận kết quả xét nghiệm trên các phiếu xét nghiệm của khoa xét nghiệm tại khoa cấp cứu và các khoa điều trị nội trú. Củng cố, nâng cấp hệ thống mạng máy tính; đảm bảo hệ thống mạng LAN, Internet tại các khoa, phòng hoạt động thông suốt, liên tục, đầu tư, xây dựng các giải pháp khắc phục sự cố mạng...
Bác sĩ Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Những năm qua, ngành Y tế là một trong số những cơ quan, đơn vị có sự chuyển đổi nhanh và là điểm sáng về chuyển đổi số, với mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân được tốt hơn. Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục nỗ lực hết sức trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ để người dân được tiếp cận tất cả dịch vụ y tế tiện ích, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.
Đối với việc triển khai phần mềm dùng chung trong toàn tỉnh, hiện nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đã được kết nối liên thông 4 cấp, phục vụ cho việc gửi, nhận văn bản điện tử. Hầu hết văn bản đến đều được gửi, nhận qua Hệ thống; 100% văn bản đi của Sở Y tế đã được ký số và gửi qua Hệ thống (trừ những văn bản mật). 100% đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã sử dụng Hệ thống để gửi nhận văn bản điện tử và ký số cho tổ chức và cá nhân là lãnh đạo đơn vị.
Công tác cải cách hành chính phục vụ người dân và tổ chức được Sở Y tế thực hiện có hiệu quả, thường xuyên rà soát nhằm loại bỏ bớt những thủ tục không cần thiết cũng như cắt giảm thời gian tối đa trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Hiện ngành Y tế đang cung cấp 161 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, gồm 9 lĩnh vực, bao gồm: An toàn thực phẩm và dinh dưỡng; Dân số; Dược phẩm; Khám bệnh, chữa bệnh; Giám định y khoa; Mỹ phẩm; Trang thiết bị và công trình y tế; Y tế dự phòng; Tổ chức cán bộ.
Trong 10 tháng năm 2021, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Sở Y tế đã tiếp nhận và giải quyết gần 1 nghìn hồ sơ các loại, đạt 100%. Trong đó, hồ sơ tiếp nhận nộp trực tuyến chiếm trên 50%, thực hiện trả kết quả qua Dịch vụ bưu chính công ích đạt gần 50%...
Cùng với đó, trang thông tin điện tử hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. Các phần mềm chuyên ngành đã và đang triển khai, bao gồm: Phần mềm y tế cơ sở; phần mềm tiêm chủng quốc gia; hệ thống quản lý quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm khác trong công tác quản lý cũng như chuyên môn tại đơn vị.
Đến nay, 100% cơ sở y tế sử dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh của người dân và thực hiện thanh toán BHYT; 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý y tế cơ sở và phần mềm khám chữa bệnh kết nối dữ liệu quốc gia; 100% trạm y tế đã cài đặt hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đang trong quá trình cập nhật hồ sơ.
Tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người dân được kết nối với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; phần mềm tiêm chủng mở rộng và đang triển khai phần mềm tiêm COVID-19 được sử dụng chung trong phần mềm quốc gia. Các bệnh viện lớn đang sử dụng phần mềm hội chẩn từ xa, phần mềm chuyển tải ngành trên môi trường điện tử. Một số trạm y tế đã triển khai việc khám bệnh, chữa bệnh từ xa...
Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT luôn được ngành Y tế quan tâm phát triển, tạo công cụ thuận lợi nhất phục vụ hoạt động của cơ quan Sở cũng như các đơn vị trực thuộc. 100% đơn vị (bao gồm cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc) kết nối mạng Internet tốc độ cao; triển khai mạng LAN, WAN phục vụ cho hoạt động của đơn vị.
100% đơn vị khám, chữa bệnh và cơ quan Sở được trang bị thiết bị tường lửa nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, ngành Y tế thường xuyên quan tâm nguồn lực trong thực hiện chuyển đổi số. Cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc đều có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phụ trách CNTT, đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần vào việc xây dựng Chính quyền điện tử trong đơn vị.
Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025, ngành Y tế đặt ra mục tiêu chung là ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số trong y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế Ninh Bình nói riêng, y tế Việt Nam nói chung hiện đại, chất lượng, hiệu quả, góp phần trong công cuộc xây dựng Chính quyền điện tử; đảm bảo cho việc xây dựng y tế thông minh tại tỉnh Ninh Bình thực hiện đúng theo lộ trình.
Bài, ảnh: Hạnh Chi