Chúng tôi đến thăm nhà cậu học trò nghèo Lâm Văn Vĩnh, xã Quang Thiện (Kim Sơn). Ngôi nhà nhỏ, tuềnh toàng, nhưng ngăn nắp. Bố mất sớm, mẹ phải đi làm xa để lấy tiền nuôi hai anh em Vĩnh và Thông ăn học. Hai em ở nhà với bà là cụ Vũ Thị Mát. Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, song cả hai anh em Vĩnh, Thông đều ham học và chăm chỉ đến trường. Cách đây hơn 1 năm, Vĩnh mắc phải căn bệnh ung thư máu nên con đường đến trường của em bị đứt quãng dù rằng nỗi nhớ trường lớp, thầy cô và bè bạn lúc nào cũng da diết. Trong cuộc sống quá nhiều khó khăn ấy, ở thẳm sâu tâm hồn, Vĩnh vẫn khao khát được trở thành một ảo thuật gia và cậu em trai Lâm Quang Thông thì ước mơ anh trai sẽ khỏi bệnh và cả hai anh em đều được học Đại học. Những ước mơ ấy của hai em đã được chắp thêm đôi cánh nhờ sự quan tâm động viên, chia sẻ của những nhà hảo tâm. Khi thì tập vở, bộ quần áo, những món tiền nho nhỏ… Những món quà ấy không phải là lớn song đã góp phần giúp gia đình Vĩnh và Thông vơi bớt khó khăn, để tiếp sức cho các em được đến trường. Cụ Vũ Thị Mát tâm sự: Bố mất sớm, mẹ lại bôn ba, tần tảo mưu sinh nên các cháu thiếu sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Nhìn bè bạn cùng trang lứa được khỏe mạnh đến trường, các cháu cũng khát khao lắm. Và bây giờ, ở cái tuổi xế chiều ước mơ lớn nhất trong tôi đó là các cháu khôn lớn, được đến trường và trưởng thành như bao đứa trẻ khác… Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 6.682 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 50/398 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh, số trẻ em còn lại được người thân, người đỡ đầu nhận nuôi dưỡng tại cộng đồng; 2.930 trẻ em bị khuyết tật, tàn tật; 76 trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học; 88 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được cơ quan chức năng theo dõi, cấp phát thuốc điều trị định kỳ... Đáng nói, mặc dù sinh ra trong một gia đình đặc biệt khó khăn, song những câu chuyện về nghị lực, tinh thần vượt khó của các em luôn gây xúc động với mọi người.
Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh ta đã được các cấp, các ngành và cả cộng đồng quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được phát triển toàn diện, con đường đến trường của học sinh nghèo thêm rộng mở. Xuyên suốt trong hoạt động ấy là sự đồng hành của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh.
Tính riêng trong năm 2016, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng "Cùng em đến trường" cho 150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh; phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Công ty Bảo việt nhân thọ tổ chức Lễ trao tặng xe đạp cho 20 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vươn lên vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA tổ chức tặng 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó học giỏi trên địa bàn thành phố Ninh Bình và trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh; tặng 25 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn các huyện, thành phố.
Cũng từ sự đóng góp của các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm, trong năm 2016, ngành Lao động đã thành lập các đoàn đi thăm, tặng trên 3.000 suất quà, học bổng trị giá 2,2 tỷ đồng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; trao tặng 6 suất học bổng cho 6 trẻ em được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, mỗi suất trị giá 500.000 đồng… Các tổ chức, cá nhân ở các địa phương trong tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Điển hình như Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức lễ trao học bổng Trương Hán Siêu và học bổng "Shinnyo vì học sinh vượt khó, hiếu học" cho 140 học sinh, sinh viên có thành tích trong kỳ thi vào THPT và đại học, học sinh nghèo, con các gia đình chính sách, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập và tu dưỡng đạo đức năm học 2015-2016, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức tặng quà cho 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện Nho Quan, Gia Viễn và Kim Sơn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.
Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện triển khai điểm mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng và dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đã tham mưu với UBND huyện ra quyết định hỗ trợ kinh phí mua sách vở, quần áo đồng phục, tạo điều kiện để trẻ em thuộc đối tượng tham gia mô hình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục tới lớp, tới trường.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ trẻ em khuyết tật cũng được quan tâm triển khai thực hiện. Các địa phương trong tỉnh rà soát, lập danh sách trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em khuyết tật vận động, trẻ em sứt môi - hở vòm họng có nhu cầu phẫu thuật đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, tổ chức SAP - VN hỗ trợ kinh phí phẫu thuật. Trong năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện E Hà Nội tổ chức khám sàng lọc, hội chẩn và tư vấn bệnh lý tim cho 157 em, trong đó chỉ định phẫu thuật là 22 em; đã có 65 trẻ em khuyết tật vận động thuộc diện gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được phẫu thuật an toàn, trong đó, có 10 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 250 triệu đồng.
Đào Hằng